Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đáng chú ý, dự thảo bổ sung các quy định để khuyến khích cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ.
Theo đó, với các khoản cho vay thế chấp nhà ở theo tỷ lệ bảo đảm và tỷ lệ thu nhập, NHNN quy định, đối với khoản cho vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ, hệ số rủi ro tín dụng cũng giảm một nửa. Theo đó, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng với các khoản vay thế chấp nhà ở xã hội sẽ dao động từ 12% đến 50%, thay vì mức 25% đến 100% như hiện nay .
Với các khoản vay thế chấp nhà ở còn lại (không phải mua nhà ở xã hội theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ), tỷ lệ rủi ro tín dụng được giữ nguyên ở mức 25% đến 100%.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về hệ số rủi ro đối với khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp. Theo dự thảo, hệ số rủi ro tín dụng 200% được áp dụng đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, trường hợp đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, hệ số rủi ro tín dụng là 160% (tức tín dụng bất động sản khu công nghiệp được giảm 20% hệ số rủi ro).
Việc giảm trọng số rủi ro tín dụng với phân khúc nhà ở xã hội và bất động sản khu công nghiệp sẽ giúp ngân hàng hạ chi phí vốn, từ đó giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, NHNN đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hôm qua (23/4), NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Thông tư sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN cũng đã được ban hành theo hướng mở hơn cho các ngân hàng trong việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Tính tới cuối quý I/2023, tín dụng bất động sản ước tăng khoảng 3% (cao hơn mức tăng tín dụng chung là 2,06%), chiếm 20-21% tổng dư nợ nền kinh tế. Theo các chuyên gia, tỷ trọng này không phải quá lớn. So với các nước, Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng bất động sản, đặc biệt ở phân khúc tín dụng nhà ở, bất động sản khu công nghiệp và các phân khúc còn thiếu cung khác.