Năm 2022, Trung Quốc giữ vững ngôi "vương" trong ngành đóng tàu thế giới và đây cũng là năm thứ 13 liên tiếp ngành đóng tàu Trung Quốc chiếm vị trí số một, cả về thị phần và tạo ra những đột phá trong thiết kế mẫu tàu có giá trị cao.
Nhu cầu tàu biển chở khí hóa lỏng (LNG) của thế giới tăng cao, các doanh nghiệp đóng tàu Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế. Cùng với đó là xu hướng xanh hóa về năng lượng trong ngành vận tải biển toàn cầu.
Tỉnh Giang Tô, phía Đông Trung Quốc được xem là thủ phủ của ngành công nghiệp đóng tàu của nước này. Tại đây có hơn 300 doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực đóng tàu dọc sông Dương Tử. Hiện các đơn hàng của nhiều doanh nghiệp đóng tàu lớn đã kín lịch tới năm 2026.
Tính chung trên cả nước, theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, quý I/2023, nước này tiếp tục duy trì vị thế top 1 trong ngành. Trung bình khoảng 10 đơn đặt hàng mới trên thế giới sẽ có 6 chiếc được nhận đóng tại Trung Quốc.
Bà Tao Qing - Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết: "Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn CMA CGM của Pháp để sản xuất 12 tàu container 15.000 TEU nhiên liệu kép metanol và 4 tàu nhiên liệu kép LNG 23.000 TEU. Tổng giá trị của hợp đồng trị giá hơn 3 tỷ USD. Hiện các hợp đồng đóng tàu áp dụng công nghệ mới cũng đã được ký kết".
Ngành đóng tàu Trung Quốc tiếp tục đà phục hồi. (Nguồn: news.cgtn.com)
Việc chuỗi cung ứng gián đoạn giai đoạn đại dịch COVID-19 đã khiến lĩnh vực đóng tàu của Trung Quốc thích ứng bằng cách tăng cường sử dụng vật liệu nội địa. Ngành công nghiệp phụ trợ đóng tàu vì thế cũng phát triển nhanh.
"Ví dụ việc sản xuất các tấm giá đỡ trên các con tàu lớn từng do nước ngoài độc quyền trước năm 2020 nhưng giờ 98% linh kiện của tàu được sản xuất tại Trung Quốc", ông Chu Jizhuang - Kỹ sư công ty đóng tàu CMHI, Trung Quốc cho biết.
Với mục tiêu đến năm 2050 sẽ giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu trong lĩnh vực vận tải biển, các hãng tàu tại Trung Quốc cũng đang tiến hành chuyển đổi xanh, trước tiến là trong lĩnh vực năng lượng. Năm ngoái, 50% các đơn hàng đóng tàu mới tại nước này là chạy bằng năng lượng xanh.
Methanol là một ứng cử viên ban đầu để thay thế dầu nhiên liệu nặng, vốn đang cung cấp năng lượng cho phần lớn trong số 60.000 tàu vận chuyển thương mại đường biển của thế giới.
Tuy nhiên, theo các nhà khai thác tàu chở dầu và các nhà sản xuất nhiên liệu, sản lượng nhiên liệu methanol xanh hiện nay còn hạn chế và giá thành cao trung bình hơn 50 - 100% so với nhiên liệu chạy tàu thông thường. Vận tải biển đang chiếm khoảng 3% lượng khí thải nhà kính toàn cầu hàng năm, theo Tổ chức hàng hải quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.73815244142403202-ioh-cuhp-ad-cut-peit-couq-gnurt-uat-gnod-hnagn/et-hnik/nv.vtv