Từng được ca ngợi là "thiên tài tiền số" của Hàn Quốc, CEO Kwon Do-hyung (31 tuổi, còn gọi Do Kwon) đã trở thành "người hùng" trong lĩnh vực này trước khi rơi vào danh sách truy nã đỏ của Interpol và bị bắt giữ hôm 23-3-2023 về hành vi "gian lận tài sản điện tử trị giá hàng tỷ đôla".
Từ vua tiền số không ngai...
Thuộc thế hệ 9X, tận dụng sự thông minh nhạy bén sẵn có, ngay từ thời sinh viên Do Kwon đã thành lập một tờ báo dành cho đối tượng này bằng tiếng Anh và tham gia ngành Khoa học máy tính của Đại học Stanford (Mỹ), trở thành thực tập sinh tại những tập đoàn lớn Apple, Microsoft... trước khi quay về lập nghiệp tại quê nhà.
Năm 2018, Kwon thành lập Terraform Labs tại Singapore, song song phát triển 2 đồng tiền số TerraUSD, Luna và nhanh chóng trở thành ngôi sao trẻ trong ngành. Đồng tiền số TerraUSD do Do Kwon tạo ra được đánh giá "khá ổn định về mặt thuật toán" trên thực tế chính là hình thức lừa đảo tinh vi bằng cách lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho người tham gia trước.
Nắm được tâm lý đồng thời tận dụng khao khát kiếm tiền nhanh của những nhà đầu tư để lừa đảo, mặc dù vậy "thiên tài" Do Kwon vẫn thu hút được hàng ngàn doanh nhân tự nguyện xếp hàng chờ "rót vốn" vào nguồn đầu tư "một vốn với số lời khủng" này! Đầu tháng 4-2022, Luna đạt mức giá 116USD/coin, mang lại lợi nhuận lớn cho những người ủng hộ; đồng thời huy động được hàng trăm triệu USD từ các công ty đầu tư như Arrington Capital, Coinbase Ventures, Galaxy Digital, Lightspeed Venture Partners...
Tung chiêu tiếp thị rằng TerraUSD là "đồng tiền ổn định" khi được gắn với các tài sản ổn định - trong đó có đồng đôla Mỹ - để ngăn những biến động mạnh về giá, Terraform Labs thu hút hàng triệu người hợp tác khi công ty ra mắt vào tháng 01-2018 và chỉ 1 năm sau thành công vang dội của Do Kwon đã đưa doanh nhân trẻ này vào danh sách 30 tỷ phú dưới 30 tuổi ở Châu Á của Forbes.
Với mục tiêu xây dựng hệ thống thanh toán dựa vào blockchain, đứng sau đồng tiền ảo TerraUSD và "chị em" của nó là Luna, Terraform Labs đã huy động được 32 triệu đôla từ các gã khổng lồ tiền điện tử như Binance. Mặc dù vậy, giới chuyên gia tiền kỹ thuật số từng cảnh báo mô hình của Do Kwon vấp phải lỗ hổng xuất phát từ kế hoạch Ponzi, sử dụng thuật toán và cơ chế khuyến khích để duy trì sự gắn kết, dẫn đến việc cả 2 đồng tiền số đều mất giá trị chỉ trong thời gian ngắn, xóa sạch khoảng 40 tỷ đôla khỏi thị trường tiền điện tử, dẫn đến sự hoảng loạn trong lĩnh vực đầu tư. Do Kwon bị cáo buộc gian lận sau cú sụp đổ kịch tính của Công ty Terraform Labs năm 2022 dẫn đến chấn động toàn ngành.
... Đến tội đồ của sự tham vọng
Sau khi Do Kwon thông báo sẽ rót 300 triệu USD vào các khoản dự trữ làm nền tảng cho lợi tức 20% đối với tiền điện tử của mình, nhiều nhà đầu tư tiếp tục bị mê hoặc bởi "sự kiêu ngạo đầy cá tính" đã trở thành thương hiệu của Kwon, thành lập đội quân ủng hộ trực tuyến "vua tiền ảo" được mệnh danh "Lunatics".
Để thu hút nhanh chóng các nhà đầu tư, Do Kwon đã tung ra chiến lược cho khách hàng mượn TerraUSD với lợi suất lên tới 20%/năm. Những nhà kinh doanh bán lẻ bị thu hút bởi điều này, trong khi các quỹ đầu tư mạo hiểm bị mê hoặc bởi sự phát triển "như vũ bão" của đồng coin. Tuy nhiên, lợi suất quá cao tất yếu sẽ khó bền vững, điểm mấu chốt của vấn đề là Do Kwon đã kêu gọi tài chính phi tập trung, nhưng lại đưa ra quyết định một mình.
Sự sụp đổ của TerraUSD và Luna đã dẫn đến "mùa đông tiền điện tử". Trong số nạn nhân, Changpeng Zhao - người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử Binance - ngậm ngùi chứng kiến giá trị khoản đầu tư của mình vào Luna giảm từ 1,6 tỷ USD xuống dưới 2.500USD. Nhưng xót xa nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi đã bỏ ra tất cả khoản tiết kiệm của mình vào tiền điện tử khi phát hiện lợi nhuận 20%, giữa lúc tỷ giá ngân hàng quá thấp trong thời kỳ lạm phát cao, để rồi đành tuyệt vọng khi tất cả niềm kỳ vọng nhanh chóng tan thành mây khói!
Tính đến ngày 17-5-2022, hơn 1.600 nhà đầu tư đã đăng ký kiện tập thể đối với Do Kwon về hành vi gian lận và vi phạm quy định tài chính. Ngày 20-5, các công tố viên Hàn Quốc mở cuộc điều tra đối với Terraform Labs của Do Kwon, sau khi 5 nhà đầu tư tiền điện tử Hàn Quốc thiệt hại 1,4 tỷ won (1,1 triệu USD).
Ngay sau khi bị bắt, Do Kwon bị phía Mỹ truy tố với hàng loạt tội danh mà họ gọi là "gian lận tài sản điện tử trị giá nhiều tỷ đôla", trong khi Hàn Quốc buộc Do Kwon hành vi gian lận và vi phạm luật thị trường vốn của nước này đồng thời khẳng định sẵn sàng cho dẫn độ tội phạm.
Mặc dù vậy, chuyên gia tiền điện tử đã nhiều lần viết trên Twitter rằng mình không chạy trốn, dù đã rời khỏi Hàn Quốc bằng hộ chiếu giả. Tháng 10-2022, Do Kwon tuyên bố không tin các cáo buộc là hợp pháp và tất cả đều "mang động cơ chính trị”.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.723641_orez-ned-oreh-ut-couq-nah-os-neit-iat-neiht-1-yk/et-couq/nv.moc.nagnoc