Địa phương sẽ duyệt danh mục dự án được vay ưu đãi
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1-2023 ở Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay bộ đề xuất với Thủ tướng, xin ủy quyền cho các địa phương để việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp, người mua nhà nhanh, thuận lợi hơn.
Trước đó, việc xác lập danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng thực hiện.
Cụ thể, trong thời gian tới, UBND các tỉnh, thành phố sẽ xác lập, phê duyệt danh sách các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn đủ điều kiện vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng sau khi các dự án được phê duyệt đầu tư, cấp phép xây dựng, giao đất theo quy định.
Trên cơ sở danh mục do UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt, công bố, các ngân hàng sẽ căn cứ vào đó để giải ngân doanh nghiệp và người mua nhà vay.
Quý 1-2023 thị trường bất động sản nhiều khó khăn
Nhận định về thị trường bất động sản tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói: "Nhìn chung trong quý 1-2023 thị trường có nhiều khó khăn, nguồn cung rất hạn chế, thanh khoản chưa tốt, ở mức thấp.
Để gỡ khó cho thị trường, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường như gỡ vướng về thể chế liên quan đến thủ tục đầu tư, giao đất, định giá đất, kể cả khó khăn liên quan đến vấn đề tài chính. Đối với vướng mắc nằm ở luật thì Chính phủ đang sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã tổng kết và đưa ra giải pháp cho các nhóm vấn đề cần giải quyết cho phát triển nhà ở xã hội như đơn giản định giá đất; lựa chọn chủ đầu tư; ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội; xác định đối tượng tường minh, thuận lợi nhất để người mua dễ tiếp cận.
"Bộ cũng đề xuất các nhóm chính sách nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực ngay sau khi luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10-2023", ông Sinh cho hay.
Trên 80% dự án nhà ở TP.HCM có khó khăn, vướng mắc
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết thời gian qua tổ công tác của Thủ tướng đã trực tiếp làm việc với các địa phương để tháo gỡ cho hàng trăm dự án bất động sản.
Theo đó, tổ công tác đã làm việc với TP.HCM, qua rà soát 180 dự án nhà ở thì phát hiện trên 80% dự án gặp khó khăn, vướng mắc.
Tương tự, tại Hà Nội có 170 dự án nhà ở, đô thị vướng mắc; Đà Nẵng có 75 dự án khó khăn, vướng mắc; Hải Phòng có 65 dự án khó khăn, vướng mắc; Cần Thơ có 79 dự án bị vướng mắc. Hầu hết vướng mắc đều liên quan tới pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư và nhà ở đều thuộc thẩm quyền của địa phương giải quyết.
"Thời gian qua, tổ công tác đã cùng với các địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, những nội dung nào chưa rõ thì cùng địa phương kiến nghị Chính phủ giải quyết để sớm đưa dự án vào triển khai trong thời gian tới", ông Sinh nói thêm.
TTO - Hơn 100 dự án bất động sản với nhiều kiểu vướng mắc được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tổng hợp kiến nghị, gửi đến UBND TP.HCM và các cơ quan có thẩm quyền từ tháng 3 đến tháng 5-2022.
Xem thêm: mth.74710439142403202-gnod-it-000-021-iog-nov-yav-na-ud-teyud-ehp-coud-gnouhp-aid/nv.ertiout