Tại một hội nghị tổ chức ở Barcelona, Tây Ban Nha trong tuần này, các nhà bán lẻ thời trang toàn cầu sẽ thảo luận về cách đối phó áp lực từ các cơ quan quản lý và người tiêu dùng để chuyển sang các mô hình bền vững hơn, trong khi đảo ngược tình trạng doanh số bán hàng đang giảm ở châu Âu.
Giám đốc điều hành từ các công ty bao gồm nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein của Trung Quốc, Mango của Tây Ban Nha và Primark của Ireland nằm trong số những cái tên tham dự Hội nghị ngành bán lẻ thế giới (World Retail Congress) - một trong những hội nghị thường niên lớn nhất của ngành.
Họ sẽ thảo luận về những thách thức đang phải đối mặt khi lạm phát khiến người tiêu dùng ở châu Âu và nhiều thị trường khác giảm chi tiêu. Các quy định chặt chẽ hơn của châu Âu cũng tạo thêm sức ép đối với hoạt động kinh doanh của ngành này.
Hiện Ủy ban châu Âu (EC) đang soạn thảo các quy định mới về chất thải dệt may, trong đó quy định các công ty phải chịu trách nhiệm quản lý chất thải mà sản phẩm của họ tạo ra. Theo thống kê của Cơ quan Môi trường châu Âu, người tiêu dùng ở Liên minh châu Âu (EU) vứt bỏ khoảng 5,8 triệu tấn hàng dệt may mỗi năm.
Bà Valerie Boiten, phụ trách chính sách cấp cao tại Quỹ Ellen MacArthur, một tổ chức phi chính phủ làm việc với các thương hiệu như H&M, Inditex, Mango, Primark và Zalando cho hay mô hình kinh doanh hiện tại của ngành thời trang bán lẻ sẽ sụp đổ khi tính đến tình trạng biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên.
Theo bà Beiten, ngành công nghiệp thời trang có thể trở nên tuần hoàn hơn nhưng phải dựa vào việc tạo thêm nguồn doanh thu từ các sản phẩm hiện có. Đặc biệt, EU đang cố gắng chuyển sang mô hình kinh tế "tuần hoàn" - chỉ việc các ngành công nghiệp trong nền kinh tế tái sử dụng và tái chế nguyên liệu, thay vì sử dụng những nguồn tài nguyên hữu hạn để sản xuất ra sản phẩm mới.
Ngành thời trang bán lẻ không có dấu hiệu giảm hoạt động sản xuất. Thay vào đó, các công ty đang tìm cách sử dụng ít nước và năng lượng hơn, đồng thời sử dụng nhiều hàng dệt tái chế hơn.
Một số thương hiệu như H&M, Zara và Uniqlo đã bắt đầu cung cấp dịch vụ sửa quần áo tại một số cửa hàng của họ. Trong tháng này, Zara đã ra mắt bộ sưu tập đầu tiên dành cho phụ nữ được làm từ vải dệt tái chế sản xuất bởi Circ, một công ty của Mỹ mà Inditex và tỷ phú Bill Gates đều rót vốn đầu tư. Circ sở hữu công nghệ tách cotton (sợi bông) khỏi polyester (sợi tổng hợp) trong quần áo cũ để tạo ra loại vải mới.
Decathlon, nhà bán lẻ đồ thể thao lớn nhất thế giới cũng cung cấp dịch vụ sửa chữa, bán phụ tùng và dụng cụ thay thế để khách hàng tự sửa chữa xe đạp, lều và thuyền kayak của họ.
Về phần luật pháp, các nhà bán lẻ thời trang đang làm việc với chính quyền địa phương trước thời hạn EU yêu cầu các quốc gia thành viên thu gom riêng chất thải dệt may từ ngày 1/1/2025. Các công ty bao gồm Decathlon, Mango, Inditex và IKEA gần đây đã thành lập một hiệp hội ở Tây Ban Nha để quản lý loại chất thải này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!