Theo các nhà tâm lý học, khuynh hướng tiêu cực nghĩa là chúng ta có xu hướng phản ứng mạnh hơn hay để tâm hơn với những điều không đúng hay tiêu cực. Đó có thể là một lời bình luận, dòng suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm hay tình huống nào đó.
Để vượt qua điều này, các chuyên gia gợi ý chúng ta nên chấp nhận những suy nghĩ tiêu cực, tận hưởng những khoảnh khắc tích cực và thực hành chánh niệm.
1. Chấp nhận... suy nghĩ tiêu cực
Theo tiến sĩ Quinney Chan Kwan-nap, chuyên gia tâm thần học tại Hong Kong, việc có suy nghĩ tiêu cực là điều bình thường, chỉ cần đừng để nó trong lòng và khiến tâm trạng bị chùng xuống.
Thay vào đó, hãy thử nghĩ lại xem liệu suy nghĩ tiêu cực đó có thể đang mách ta điều gì hay không? Nó có phải đang báo hiệu cho ta hay về những rủi ro cần tránh không? Ta có cần chuẩn bị gì cho thử thách đang chờ phía trước?
Nhìn ở góc độ khác, khuynh hướng tiêu cực có thể là cơ hội để chúng ta tự nhìn lại bản thân. “Chúng ta có thể học được nhiều điều từ những lời chỉ trích, phàn nàn và cả những lần thất bại. Miễn là chúng ta xử lý những điều này đúng cách mà không làm bản thân thấy hụt hẫng, hãy cho mình cơ hội để phát triển”, theo chia sẻ từ Joyce Au-Yeung, người sáng lập Happiness Factory (Hong Kong), nơi chuyên cung cấp các chương trình chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu.
2. Thử nghĩ khách quan
Khi sự tiêu cực chiếm ưu thế, chúng ta có thể cảm thấy bế tắc, căng thẳng, bất lực và thậm chí là tuyệt vọng.
“Khi những suy nghĩ tiêu cực bắt đầu chiếm hết tâm trí, cần nhắc nhở bản thân rằng sẽ luôn có mặt tích cực trong bất cứ tình huống tệ hại nào”, Chan cho hay.
3. Tận hưởng những khoảnh khắc tích cực
Chan gợi ý chúng ta nên tập thói quen suy nghĩ mọi thứ theo hướng tích cực, ngay cả những lúc cùng cực nhất về tinh thần.
Mỗi tối, chúng ta ngồi viết ra những điều khiến ta vui hoặc thấy biết ơn trong ngày hôm đó. Kể cả hôm nào khó khăn, ta vẫn có thể nghĩ ra ít nhất ba khoảnh khắc tích cực hoặc hạnh phúc.
Chan đề xuất thêm rằng chúng ta có thể tạo ra một "ngân hàng" chứa đựng ký ức tích cực bằng cách làm những việc khiến ta thấy thoải mái, chẳng hạn như dành thời gian cho người thân, làm những điều mình yêu thích, thử làm gì đó mới mẻ hoặc mạo hiểm hay đi du lịch.
Những trải nghiệm tích cực có thể giúp đẩy lùi những điều tiêu cực mà ta không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
4. Thư giãn và thực hành chánh niệm
Các bài tập thư giãn không chỉ giúp chúng ta bình tĩnh, giảm bớt lo lắng, căng thẳng, mà còn hướng ta chú tâm vào hiện tại, sống chậm hơn và để ý đến những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình.
Theo như Au-Yeung chia sẻ, các hoạt động chánh niệm khiến chúng ta cảm thấy vững vàng hơn để tránh bị kích động bởi luồng suy nghĩ tiêu cực.
Bạn có thể thử kết hợp các bài tập thư giãn và chánh niệm hằng ngày, đặc biệt là khi chúng ta cảm thấy bị quá tải, bằng cách đi dạo, tập hít thở sâu, thiền hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng, êm dịu.
5. Luyện tập thói quen sống tích cực
Thông thường, tình trạng sức khỏe tốt sẽ gắn liền với trạng thái tinh thần thoải mái.
Chẳng hạn như khi thiếu ngủ, chúng ta có thể thèm đồ ăn vặt, không muốn đi tập thể dục và cảm thấy tồi tệ. Theo Au-Yeung, ở trạng thái này, chúng ta dễ có cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực.
Khi cơ thể chúng ta được nạp đầy đủ dinh dưỡng, cùng với việc vận động thể chất phù hợp, nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể tái tạo năng lượng mới, ta sẽ cảm thấy tốt hơn về bản thân và có khả năng ứng phó với các tình huống tiêu cực tốt hơn.
Au-Yeung đưa ra kết luận rằng: “Bạn có thể kiểm soát trạng thái cảm xúc của chính mình bằng cách trau dồi những thói quen mang lại cảm xúc tích cực".
Xuất hiện trong chương trình Nối trọn yêu thương cùng chiếc xe đẩy thân thuộc, Tô Đình Khánh đã mang đến câu chuyện vô cùng ý nghĩa, lan tỏa mạnh mẽ năng lượng tích cực cùng tinh thần không ngừng vươn lên nghịch cảnh đến cộng đồng.
Xem thêm: mth.60923419142403202-gnohk-coud-noh-iuv-gnos-ed-cuc-ueit-ihgn-yus-hnag-gnauq/nv.ertiout