Khi cao tốc này đưa vào khai thác, khoảng cách và thời gian di chuyển từ TP.HCM đến TP Phan Thiết, Bình Thuận kỳ vọng rút ngắn hơn phân nửa.
Không những rút ngắn khoảng cách, chạy êm mà còn tránh được tuyến quốc lộ 1 song song cùng dự án này đang "gồng mình" quá tải, nhất là đoạn từ huyện Xuân Lộc, Đồng Nai đến huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.
Thời gian khai thác ban đầu chưa thu phí xe cộ qua lại.
Có một số kinh nghiệm cho những ai di chuyển bắt đầu từ TP.HCM hướng về TP Phan Thiết khi vi vu trên cao tốc này.
Đầu tiên, nếu xuất phát từ TP.HCM thì buộc phải di chuyển vào đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại TP Thủ Đức. Tất cả các nút giao đều có bảng hướng dẫn lên xuống.
Vì vậy, trước khi đi vào 99km cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thì xe cộ có thể dừng trên trạm của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cách nút giao khoảng 1,5km.
Hướng ngược lại, khi xe đi hết cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nhập vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khoảng 1,5km sẽ có trạm dừng chân.
Lo ngại nhất hiện nay vẫn là đoạn nút giao An Phú, trạm thu phí Long Phước hay cầu Long Thành của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Nếu đi trên các đoạn này êm xuôi, không ùn ứ thì thời gian từ TP.HCM đến trung tâm Phan Thiết khoảng hơn 2 giờ đồng hồ.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ đưa vào khai thác sớm hơn một ngày, còn Vĩnh Hảo - Phan Thiết lùi lại đến ngày 19-5 do còn vướng mặt bằng, chưa đảm bảo an toàn.