Sáng 25/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị triển khai “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NN&PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với chủ đề: Khơi nguồn tri thức Việt vì khát vọng Nông nghiệp Việt.
Trong những năm qua, để có được thành quả trong việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, sản phẩm khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, không thể không kể đến những đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, người nông dân, doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thời gian qua Bộ NN&PTNT đã triển khai thành công 4 chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, bao gồm: Chương trình Công nghệ sinh học trong nông nghiệp và thủy sản, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình sản phẩm quốc gia.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Khoa học công nghệ không chỉ dừng lại là tạo năng suất, sản lượng mà là tạo ra giá trị gia tăng. Giá trị gia tăng nó đến từ những cái tích hợp đa giá trị trong một ngành với hướng tới mục tiêu là giảm chi phí.
Ví dụ như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, rồi nông nghiệp xanh, giảm phát thải… tất cả là để tạo ra thương hiệu, tạo ra giá trị gia tăng. "Đó chính là hướng đi của khoa học công nghệ trong tương lai", Bộ trưởng nói.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những đóng góp của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó góp phần quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển của các ngành, lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, xây dựng nông thôn mới.
Khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp từ việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng những giống cây trồng, vật nuôi; giống cây lâm nghiệp; giống lúa, giống cây ăn quả và các quy trình thử nghiệm, phương pháp canh tác nuôi trồng mới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu tháo gỡ, “cởi trói” được vướng mắc về chính sách tăng cường hợp tác công tư, gắn khoa học công nghệ với sự phát triển của doanh nghiệp và việc phát huy được cơ sở vật chất, trang thiết bị và diện tích đất đai… đó sẽ là động lực rất quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức hơn 50%; tỉ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%.
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới tư duy để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, bền vững với môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành.
Ngành sẽ tập trung nâng cao tính tự chủ, vai trò, quyền hạn và trách nhiệm toàn diện của người đứng đầu tổ chức khoa học, công nghệ trong việc hoạch định chiến lược, định hướng nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh; tiếp tục quan tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư, đồng tài trợ giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, Bộ sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và chuyển giao công nghệ mới, mua công nghệ trong nước hoặc nước ngoài.