Sáng 25.4, theo dự kiến, TAND TP.Hà Nội sẽ tuyên án đối với bị cáo Lương Thế Hiển (63 tuổi, cựu Phó chánh văn phòng Sở TN-MT TP.Hà Nội) và Nguyễn Thị Liên (63 tuổi, vợ ông Hiển) cùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, liên quan đến vụ án "đất vàng" trăm tỉ đồng.
Tuy nhiên, thay vì tuyên án ngay, HĐXX quay lại phần xét hỏi để làm rõ một số tài sản đang bị kê biên đứng tên ông Hiển và tài sản mua từ tiền phạm tội mà có, gồm 4 mảnh đất tại TP.Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.
Đại diện viện kiểm sát cũng công bố một số bút lục về các tài sản đứng tên con trai ông Hiển. Anh này khẳng định tài sản có từ trước khi xảy ra vụ án nên không hình thành từ hành vi phạm tội; đồng thời muốn thương lượng với phía bị hại để thay cha khắc phục một phần hậu quả, nhưng vẫn ủng hộ cha kêu oan.
Sau khi cân nhắc, HĐXX chấp thuận kéo dài thời gian nghị án thêm 5 ngày, cộng thêm 5 ngày nghỉ lễ, để các bên thương lượng khắc phục hậu quả, giảm bớt thiệt hại (nếu có). Tòa sẽ tuyên án vào chiều 4.5 tới đây.
"Toà đã tạo điều kiện hết mức, do đó không chấp nhận thêm bất cứ lý do trì hoãn nào nữa", chủ tọa nhấn mạnh trước khi công bố kết thúc phiên toà.
Trước đó, tại phần tranh luận, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đề nghị tuyên phạt ông Lương Thế Hiển 18 - 20 năm tù, bà Nguyễn Thị Liên 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Về dân sự, viện kiểm sát đề nghị tòa buộc ông Hiển trả lại 320 tỉ đồng cho ông Lê Hải An (bên thứ ba mua đất - PV). Ông An có nghĩa vụ trả lại các thửa đất cho bị hại là ông Nguyễn Thanh Thủy (trú Q.Đống Đa, Hà Nội). Điều này đồng nghĩa, các "sổ đỏ" do Sở TN-MT TP.Hà Nội cấp cho ông An phải thu hồi, hủy bỏ.
Cơ quan công tố cũng đề nghị tiếp tục kê biên các tài sản nhà đất đứng tên ông Hiển và tài sản mua từ số tiền phạm tội mà có, gồm 4 mảnh đất ở TP.Hà Nội và tỉnh Phú Thọ, nhằm đảm bảo thi hành án.
Hồ sơ vụ án cho thấy, phố Bà Triệu (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) có 3 thửa đất liền nhau, nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước. Trong số này, một phần đã được bán và cấp "sổ đỏ" cho 11 hộ dân, phần còn lại cho thuê và làm diện tích chung.
Năm 2017, ông Thủy mua gom toàn bộ đất của 11 hộ dân nêu trên và muốn mua nốt phần còn lại rồi gộp chung "sổ đỏ" để thuận lợi cho việc làm ăn.
Do không thuộc đối tượng được mua, ông Thủy tìm đến ông Hiển nhờ giúp đỡ. Ông Hiển nói có quan hệ với nhiều lãnh đạo sở, ngành Hà Nội, có thể đứng tên thay ông Thủy mua đất và gộp "sổ đỏ", nhưng phải trả công 7 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi đứng tên thay ông Thủy mua thêm đất và gộp sổ, ông Hiển không trả lại nhà đất cho ông Thủy mà ký 4 hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất cho ông Lê Hải An với trị giá gần 320 tỉ đồng.
Theo kết luận định giá tài sản, giá trị 3 khu "đất vàng" trên tại thời điểm chuyển nhượng cho bên thứ ba là hơn 127 tỉ đồng. Đây cũng là số tiền bị cáo chiếm đoạt của bị hại.
Quá trình điều tra, ông Hiển không thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo khẳng định mình và ông Thủy có hợp tác kinh doanh, góp tiền mua đất. Bằng chứng là hai bên ký hợp đồng hợp tác thể hiện ông Thủy và vợ ông Hiển mỗi người góp 100 tỉ đồng, ký biên bản thanh lý hợp đồng thể hiện ông Thủy chuyển nhượng 50% vốn góp của mình cho ông Hiển. Ông Thủy còn viết 3 giấy nhận tiền với tổng 200 tỉ đồng từ vợ chồng ông Hiển…
Tuy nhiên, viện kiểm sát xác định các hợp đồng này chỉ là giả cách, nhằm giúp ông Hiển đứng tên thay cho ông Thủy trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến khu "đất vàng".