Báo cáo về tình hình thu hút FDI Việt Nam 4 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu thông tin, tính đến 20/4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại đạt gần 8,9 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ 2022. Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục giảm, vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần đã tăng lại so với cùng kỳ. Về vốn ngoại giải ngân, số liệu cho thấy có sự sụt giảm 1,2%, ước đạt 5,85 tỷ USD.
Dòng vốn ngoại tập trung nhiều nhất vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt hơn 5,1 tỷ USD (chiếm 57,8% tổng vốn đầu tư đăng ký). Tuy nhiên, con số này giảm 17% so với cùng kỳ. Ngành tài chính ngân hàng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, tăng 12 lần. Theo sau là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn lần lượt là 972 triệu USD (giảm 65,5%), và gần 372 triệu USD (giảm 44,3%).
Về tình hình đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, vốn giải ngân có giảm so với cùng kỳ nhưng đã có cải thiện so với các tháng đầu năm. Vốn đầu tư mới cũng đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong các tháng quý I - tăng 11,1%, số lượng dự án mới tăng 65,2%.
Tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng tổng vốn đầu tư, cho thấy các nhà đầu tư quy mô nhỏ và vừa tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào thị trường Việt Nam, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng, có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc đầu tư mạnh vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đăng ký mới trong 4 tháng.
Thuế tối thiểu toàn cầu là thoả thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia né thuế, dự kiến áp dụng vào 2024. Mức thuế tối thiểu được áp dụng là 15% đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, 1.015 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp thuế. Trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế này khi nó được áp dụng vào 2024. Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron với vốn đầu tư đăng ký chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (khoảng 131,3 tỷ USD) là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.
Nhìn nhận chính sách thuế này sẽ khiến doanh nghiệp đứng giữa ngã ba đường, phải xem xét lại chiến lược vận hành cứ điểm sản xuất, đầu tư, các ông lớn FDI đang đề xuất Việt Nam sớm có chính sách hỗ trợ để giảm tác động. Hiện Chính phủ đang nghiên cứu và cân nhắc về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng như các đề nghị liên quan. Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 22/4 đã cam kết, Chính phủ sẽ sớm đưa ra giải pháp thu hút, hỗ trợ khác ngoài thuế để khuyến khích nhà đầu tư hiện hữu và dự án mới nếu áp loại thuế trên.
Đức Minh