Ngân hàng phải tự đánh giá rủi ro nợ xấu
Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Việc cho phép tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ ngân hàng đúng thời hạn sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu.
Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vốn vay tại các ngân hàng.
Trả lời báo chí về việc ban hành Thông tư số 02, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định tại Thông tư số 02, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Đồng thời, Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các ngân hàng trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như: doanh thu, thu nhập sụt giảm.
Về mục đích ban hành và thời gian triển khai Thông tư, bà Giang cho biết, mục đích ban hành Thông tư này nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thông tư sẽ được triển khai từ ngày 24/4/2023 đến cho đến hết ngày 30/6/2024.
Tuy nhiên, để giảm thiểu các rủi ro nợ xấu tiềm ẩn khi áp dụng Thông tư, bà Giang cho rằng, về giác độ của ngân hàng thì vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.
“Theo quy định tại Thông tư 02, các ngân hàng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các ngân hàng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách”, vị Vụ trưởng chia sẻ.
Tín dụng đã tăng 2,57%
Về tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Trước yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống ngân hàng triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn tín dụng, như rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tài chính tiêu dùng lên tới 20.000 tỷ đồng của Công ty Tài chính HD Saison và Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng SMBC cho công nhân vay với lãi suất ưu đãi.
Đồng thời, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, các Hội nghị tín dụng chuyên đề (Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực,…)... nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Tiếp tục tích cực triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Theo đó, đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.