Nghịch lý là từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo tới các nhà trường, thầy cô và xã hội đều đánh giá cao vai trò của phòng tư vấn tâm lý học đường nhưng trên thực tế bộ phận này lại vô cùng tạm bợ, chắp vá và hoạt động trầy trật vì "vướng đủ thứ".
Giáo viên lịch sử làm chuyên gia tư vấn
Là một trong số ít trường THCS ở TP.HCM có phòng tư vấn tâm lý học đường, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) mở cửa phòng tư vấn tâm lý được 5 năm nay. Phòng hoạt động dưới sự dẫn dắt của một giáo viên môn lịch sử kiêm nhiệm công tác chuyên viên tâm lý. Giáo viên này được học thêm chứng chỉ, bằng cấp về tư vấn tâm lý và đảm nhận công việc rất tốt.
"Thực tế, công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường hiện nay được giao cho nhiều giáo viên thực hiện. Giáo viên chủ nhiệm là người ăn trưa, ngủ trưa với học sinh nên được trường giao nhiệm vụ phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các em và phối hợp cùng với giáo viên kiêm nhiệm phụ trách phòng tâm lý để giải quyết thấu đáo các vấn đề nhằm ngăn chặn những điều xấu có thể xảy ra trong đời sống học đường. Nhưng ở mặt quản lý, tôi thấy nếu phòng tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường mà có một người phụ trách chính thức, được biên chế, điều này sẽ tốt hơn nhiều cho hoạt động của phòng tư vấn tâm lý trong nhà trường" - thầy Cao Đức Khoa, hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, cho biết.
Phòng tư vấn tâm lý học đường tại Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) đã mở cửa 7 năm nay. Theo lãnh đạo nhà trường, phòng tư vấn tâm lý học đường rất quan trọng với trường này vì không chỉ giúp tháo gỡ nhiều tâm tư, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh mà còn giúp ngăn chặn nhiều vụ bạo lực học đường, để gắn kết các mối quan hệ hoặc giúp phụ huynh nhận ra những điều bất thường ở con cái họ, kịp thời đưa con đến bệnh viện khám tâm lý.
Theo thầy Trần Văn Luyện, hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng, ngay từ đầu trường cũng đã tuyển một chuyên viên có chuyên môn về lĩnh vực này. Nhưng sau 6 năm làm việc tại đây, chuyên viên này đã nghỉ việc để đến một môi trường mới lương cao hơn, công việc tốt hơn và danh chính ngôn thuận hơn.
"Tuy rất tiếc nhưng trường không thể trách thầy đó. Vì ai cũng mong muốn có thu nhập tốt hơn, công việc ổn định hơn. Sau đó, vì không thể tuyển được người làm công tác tâm lý đúng với yêu cầu, chuyên môn, trường bố trí một giáo viên kiêm nhiệm công tác này" - thầy Luyện nói.
Cần tháo gỡ về cơ chế
Với nhiều trường, thành lập được trường tư vấn tâm lý đã là may mắn. Nhiều trường THCS, THPT hiện vẫn chưa thể thành lập phòng tư vấn tâm lý vì không có kinh phí, không có biên chế.
"Không phải chúng tôi không quan tâm, không biết vai trò của tư vấn tâm lý đối với học sinh, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội tràn lan, áp lực cuộc sống ngày càng đè nặng lên đời sống tinh thần của các em học sinh. Nhưng phải hỏi một câu là lấy tiền đâu để trả lương, để bố trí việc làm cho chuyên viên tâm lý trong nhà trường. Bao nhiêu năm nay cứ họp lên họp xuống hoài về vấn đề này nhưng có mỗi chức danh và lương cho giáo viên tâm lý trong nhà trường cũng chẳng thấy đâu" - hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM nói với Tuổi Trẻ.
"Quy định hiện nay vẫn chưa có chức danh vị trí việc làm của giáo viên tâm lý tại trường phổ thông" - ông Trịnh Duy Trọng, trưởng phòng chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, thừa nhận.
Cách đây 5 năm, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã chỉ đạo các trường phổ thông tạo điều kiện cho giáo viên đã được bổ nhiệm là nhân viên tư vấn tâm lý được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ và đảm nhận nhiệm vụ này tại trường. Nhưng kết quả vẫn không khả quan. Vì họ phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc, lại không được biên chế, cộng với chế độ đãi ngộ, lương thấp nên không thu hút được đội ngũ có chuyên môn.
3 nguyên nhân
Đánh giá cao vai trò của tư vấn tâm lý học đường nhưng TS Huỳnh Văn Chẩn - trưởng khoa công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV- ĐH Quốc gia TP.HCM, phó chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam - thẳng thắn nói "tư vấn tâm lý học đường hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội". Theo TS Huỳnh Văn Chẩn, có ba nguyên nhân chủ yếu.
● Thứ nhất, tiêu chuẩn của phòng tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường chưa đủ chuẩn, nhiều trường còn không có phòng
tư vấn.
● Thứ hai, tại các trường phổ thông đa số trưng dụng một số giáo viên chuẩn bị về hưu hoặc một số giáo viên có hạn chế về giảng dạy cho làm cán bộ tư vấn tâm lý học đường. Chính vì vậy chưa đạt được hiệu quả như xã hội mong muốn.
● Thứ ba và cũng là điều vô cùng quan trọng là do cơ chế tuyển dụng và chế độ chính sách hiện nay chưa có và khá phức tạp nên rất ít người có năng lực thật sự tâm huyết với nghề chấp nhận vào trường phổ thông để làm cán bộ tư vấn tâm lý học đường.
Phối hợp với trung tâm bên ngoài
Ở Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), do không có chức danh chuyên viên tâm lý trong nhà trường, để mở cửa phòng tư vấn tâm lý học đường, nhà trường đã phối hợp với các giáo viên tâm lý ở ngoài nhà trường. "Học sinh hiện nay gặp rất nhiều vấn đề trong đời sống và các em cần một chỗ để lắng nghe, để chia sẻ. Để những mồi lửa trong các vấn đề tâm lý của học sinh không thành những quả bom chìm, trường đã chọn mở cửa phòng tâm lý học đường bốn năm nay" - cô Nguyễn Đoan Trang, hiệu trưởng nhà trường, cho biết. Bốn năm trước, Trường THCS Nguyễn Du đã chọn phối hợp với một chuyên viên tâm lý ở ngoài. Nhưng sau đó, vì không thể đáp ứng thu nhập theo yêu cầu của chuyên viên này nên hai bên đã ngừng hợp tác. Năm học này trường chọn làm việc với một trung tâm để duy trì phòng tâm lý học đường với hai nhân viên thay nhau túc trực.
Đầu tư mạnh cho tư vấn tâm lý học đường
Năm học 2023-2024 tới đây, chính quyền tỉnh bang Ontario (Canada) sẽ đầu tư kinh phí để bắt đầu nhiều biện pháp nhằm giảm nguy cơ bạo lực trong trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Cụ thể, 16 triệu USD sẽ được chi để củng cố mạng lưới chuyên viên tư vấn học đường. 12 triệu USD sẽ dành cho các khoản lương và phúc lợi đãi ngộ cho các nhân viên tâm lý học đường, nhân viên công tác xã hội... giúp họ có thể gia tăng các dịch vụ trực tiếp nâng cao sức khỏe tinh thần cho học sinh, đặc biệt sau những vụ bạo lực học đường.
Sự quan tâm còn dành cho chính các giáo viên đứng lớp. Năm 2019, đại diện Cơ quan phụ trách trẻ em và thanh thiếu niên của lãnh thổ Nunavut (Canada) công bố một đánh giá có tính hệ thống đầu tiên về tình trạng hoạt động của các dịch vụ sức khỏe tâm lý học đường. Một trong những chi tiết gây chú ý là nhiều giáo viên dường như đang thiếu những kỹ năng tư vấn cơ bản. Vì thế khi dạy học, nhiều giáo viên không nhận ra được dấu hiệu bất thường của học sinh. Từ đó, cơ quan này đã mở rộng nhiều chương trình, các khóa đào tạo cho giáo viên có những kiến thức cơ bản để can thiệp đúng cách và kịp thời từ những biểu hiện của học sinh.
Xu hướng chi mạnh cho các hoạt động tư vấn tâm lý học đường cũng diễn ra tại Mỹ, nhất là khi trong năm đầu tiên sau đại dịch, ước tính gần 40% các cơ sở giáo dục toàn quốc thiếu chuyên gia tâm lý học đường. Dự kiến, các khoản tài trợ được mở rộng sẽ cung cấp 144 triệu USD mỗi năm, được ưu tiên dành cho việc tuyển dụng hoặc giữ chân các chuyên gia tư vấn học đường. Một số khóa đào tạo cũng sẽ giúp chuyển đổi các nhân viên sức khỏe tâm thần cộng đồng sang làm việc trong trường học. Bên cạnh đó, một khoản chi khác trị giá 143 triệu USD mỗi năm cũng sẽ được dành cho các địa phương hợp tác cùng các trường cao đẳng, đại học, đào tạo đội ngũ tư vấn tâm lý học đường kế cận.
TRỌNG NHÂN
"Thà bị đánh một trận tơi bời còn hơn. Bởi như vậy chỉ đau đớn về thể xác mà thôi" - Mai, nữ sinh lớp 11 ở TP.HCM, đúc kết như thế khi em bị một nữ sinh cùng lớp "bóc phốt" trên mạng.