Như Tuổi Trẻ thông tin, sau khi viết sai từ 'chậm trễ', chương trình Vua tiếng Việt tiếp tục bị tác giả Hoàng Tuấn Công chỉ ra những câu từ như: Lộng giả thành chân, lang lổ, dúm dó...
Trả lời Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ - thành viên ban cố vấn Vua tiếng Việt - thừa nhận: "Những phát hiện trên của ông Hoàng Tuấn Công hầu hết đều chính xác. Đó là những thiếu sót mà chương trình mắc phải do một khâu, một bộ phận nào đó chưa chu toàn. Đó là những điều cần rút kinh nghiệm.
Tôi muốn nói lời cảm ơn với nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công, người đã dành thời gian và công sức để xem các chương trình Vua tiếng Việt và có những góp ý xác đáng. Ê kíp thực hiện lúc nào cũng sẵn sàng tiếp thu những đóng góp mang tính xây dựng".
Bên cạnh đó, nói về tên gọi của chương trình "Vua tiếng Việt" có phần to tát so với một game show truyền hình, không nên dùng chữ "vua", tiến sĩ Đỗ Anh Vũ trả lời: "Về việc nhiều người tỏ ra khó chịu với cái tên Vua tiếng Việt, tôi đã biết từ lâu. Một trong những người đầu tiên phản đối tên chương trình đã đưa ra quan niệm: Không ai có khả năng hiểu biết tiếng Việt đến mức có thể xưng vua được cả".
Tuy nhiên, theo ông Vũ, chữ "vua" ở đây không mang nghĩa kiêu ngạo, mà chỉ là danh hiệu cho người chiến thắng game show nhằm tôn vinh một cách vui vẻ. Nhưng để hài hòa với nhiều luồng ý kiến, ông Vũ cho rằng tên chương trình nên thêm dấu ngoặc kép thành "Vua" tiếng Việt. Chữ "vua" lúc này được dùng theo nghĩa hẹp và tương ứng với hoàn cảnh.
Không đồng ý với cách lý giải này, bạn đọc Ngô Tuấn Hiển viết: "Ngay cả quan điểm của ông Vũ dùng chữ vua trong ngoặc kép để thể hiện một nội dung theo nghĩa hẹp cũng không được".
Theo bạn đọc này: "Dấu ngoặc kép thường dùng để trích dẫn một khái niệm được nhiều người biết đến của một tác giả nào đó, trong khi nếu muốn biểu đạt từ "Vua" như trong game show "Vua đầu bếp" thì cũng chỉ là hình thức và là thương quyền của một chương trình nếu họ đã đăng ký với cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ".
Bạn đọc Ngô Tuấn Hiển góp ý: "Nếu họ đăng ký chữ "Vua" cho riêng thương hiệu của họ thì họ được dùng ngoặc kép ở đó, trong khi đây là từ phổ biến không được phép đăng ký sở hữu trí tuệ và cũng không được phép dùng riêng cho thương hiệu của họ. Sai thì nhận và cầu thị. Đừng cố lộng giả thành chân".
Cùng chung suy nghĩ, truyền thông gần đây đã quá lạm dụng từ "vua" khi nói đến một số danh xưng, bạn đọc Vy Vy viết: "Nào vua nhạc pop, vua nhạc bolero, vua nhạc vàng... Trước khi làm một điều mà các vị cho rằng không ai vỗ ngực xưng tên là rành tiếng Việt thì dùng cái từ "vua" để làm gì. Đã vậy truyền thông một cách rộng rãi những cái sai lệch như vừa rồi thì quả là điều nên tránh".
Đồng tình với các ý kiến góp ý, bạn đọc Phương Vũ viết: "Từ vua để trong ngoặc kép ("vua") thì còn tệ hơn, người xem có thể nghĩ ban tổ chức châm biếm người đoạt giải... Chữ nghĩa không đùa được đâu, phải nghiên cứu, xem xét cẩn thận".
Trong khi đó, bằng cảm nhận của người xem đài, bạn đọc Phuong Chi chia sẻ: "Tôi chỉ xem 1 lần. Đây là chương trình làm về tiếng Việt mà thiếu ý tứ và chiều sâu. Riêng cái tên cũng sính danh xưng, lộng ngôn".
Theo bạn đọc này: "Ban tổ chức nghiêm túc tiếp thu góp ý thì hay, nếu được thì mời chuyên gia ngôn ngữ có kinh nghiệm (đừng quá nặng nề phải là giáo sư, tiến sĩ, vì bằng cấp cũng tùy và thật ra cũng không hợp xu thế hiện nay)".
Hiến kế cho chương trình tốt hơn, bạn đọc Trịnh Minh Anh viết: "Nên đổi tên chương trình là "Yêu tiếng Việt" là hợp lý nhất. Yêu tiếng Việt thì mọi người Việt hay người nước ngoài học tiếng Việt đều thấy hợp với chính mình. Trong một cuộc thi ngắn, vui mà người thắng là Vua tiếng Việt thì rất không nên. Đừng ai bảo thủ chuyện này!".
"Tên chương trình là Vua tiếng Việt cũng không ổn. Nghe cái tiêu đề cuộc chơi Vua tiếng Việt quá đao to búa lớn. Làm gì mà xưng hùng, xưng tước trong một cuộc chơi. Nghe không ổn chút nào"...
Xem thêm: mth.97361201162403202-auv-gnux-eht-oc-cum-ned-teiv-gneit-teib-ueih-gnan-ahk-oc-ia-gnohk/nv.ertiout