Sáng 26-4, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị chủ nợ để thông báo về các khoản nợ, tình hình tài chính của Công ty TNHH đóng tàu và cơ khí hàng hải Sài Gòn (Sofel). Công ty này có 100% vốn nước ngoài, trụ sở và nhà máy đóng tàu tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc tổ chức hội nghị nhằm để có quyết định phá sản đối với công ty này hay không.
Trước đó, từ tháng 9-2018, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định mở thủ tục phá sản đối với Sofel theo đơn yêu cầu của Công ty TNHH cơ khí Tân Thành.
Sau hơn 4 năm kể từ ngày mở thủ tục phá sản, đến nay Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới tổ chức được hội nghị chủ nợ.
Nợ hơn 2.000 tỉ đồng, tài sản còn lại chỉ hơn 73 tỉ đồng
Trước khi mở hội nghị chủ nợ nói trên, tòa án tiếp nhận 217 hồ sơ của các chủ nợ với số tiền lên đến hơn 3.301 tỉ đồng. Trong quá trình giải quyết vụ việc trước khi mở hội nghị chủ nợ, tòa án đã có quyết định giao cho các tổ chức tín dụng tài sản của Sofel đã thế chấp để bán cấn trừ các khoản nợ có bảo đảm.
Có năm ngân hàng đã được bán tài sản của Sofel để lấy nợ cho mình, với tổng số tiền lấy về được lên đến hơn 1.170 tỉ đồng. Trong đó ngân hàng lấy được khoản nợ nhiều nhất là gần 600 tỉ đồng, ngân hàng ít nhất là gần 50 tỉ đồng.
Tính đến ngày 26-4-2023, theo thông báo của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, còn 212 hồ sơ yêu cầu đòi nợ đối với Sofel, với tổng số tiền lên đến hơn 2.051 tỉ đồng.
Đặc biệt với số nợ khổng lồ như trên nhưng hiện tại theo kiểm kê của công ty quản lý tài sản thanh lý thì tài sản còn lại hiện tại của Sofel chỉ có trị giá gần 73 tỉ đồng. Trong đó có tài sản trị giá 42 tỉ đồng là tài sản mà Sofel thế chấp cho một ngân hàng, tài sản còn lại có trị giá gần 31 tỉ đồng.
Cũng theo tòa án, trong hơn 2.051 tỉ đồng mà Sofel còn nợ các doanh nghiệp trong nước thì có đến hơn 1.768 tỉ đồng nợ không có bảo đảm, và chỉ có hơn 283 tỉ đồng là có bảo đảm.
Nhà đầu tư, người đại diện, người ủy quyền bỏ mặc công ty
Thẩm phán Nguyễn Minh Châu - người thụ lý vụ án phá sản của Sofel - nêu lý do đến nay Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới tổ chức được hội nghị chủ nợ là bởi tất cả những người có trách nhiệm của Sofel đều vắng mặt, không tham gia, không phối hợp với tòa án và người có chức năng để giải quyết.
"Từ nhà đầu tư, chủ sở hữu là Gulfstream Management Limited (cấp phép, đăng ký thành lập tại British Virgin Islands - PV) đến người đại diện theo pháp luật là nữ mang quốc tịch Indonesia và những người đại diện theo ủy quyền (có cả người Việt Nam - PV) đều vắng mặt, không tham gia khi tòa án, quản tài viên, công ty quản lý tài sản thanh lý tiến hành kiểm kê tài sản, thống kê chủ nợ, số tiền nợ.
Công ty Sofel không còn người quản lý điều hành hoạt động kể từ năm 2018 và cũng không nộp báo cáo tài chính năm 2017, 2018", thẩm phán Châu thông báo.
Ngoài ra, tính chất vụ việc rất phức tạp, liên quan đến nhiều chủ nợ trong và ngoài nước cũng như tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Năm 2020 và 2021 cũng là thời điểm chống dịch COVID-19 nên làm gián đoạn, khó khăn trong việc kiểm kê tài sản.
Do đó Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không thể tổ chức hội nghị chủ nợ sớm hơn.
Sáng 26-4, có 133/212 chủ nợ của Sofel có mặt tại hội nghị chủ nợ. Sau khi nghe thông báo về tình hình tài chính, quá trình kiểm kê của quản tài viên, 100% chủ nợ có mặt đã đồng ý để tòa án tuyên bố Công ty Sofel chính thức phá sản.
Thẩm phán Nguyễn Minh Châu đã tuyên bố phá sản đối với Công ty Sofel.
Giải thích một số câu hỏi của các chủ nợ tại hội nghị, thẩm phán Nguyễn Minh Châu cho biết số tiền còn lại của Sofel sẽ chia theo điều 54 Luật Phá sản. Theo đó, ưu tiên trả các khoản chi phí để làm thủ tục phá sản, trả lương và bảo hiểm xã hội cho công nhân Sofel, rồi sẽ chia theo tỉ lệ nợ cho các chủ nợ.
Ngoài số tiền nợ nói trên, Sofel còn nợ gần 2 tỉ đồng tiền lương và bảo hiểm xã hội của công nhân và nợ gần 55 tỉ đồng tiền thuế xuất nhập khẩu của hải quan.
Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) đưa ra các lý do về việc phản đối quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân TP.HCM.