Qua đời 5 tháng vẫn chưa nhận chế độ tử tuất
Sáng 26-4, Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang, cử tri huyện này phản ánh vừa qua có nhiều trường hợp người dân khi qua đời chưa được kịp thời giải quyết chế độ chính sách. Nguyên nhân là do chứng minh nhân dân trước đây chỉ ghi năm sinh, hiện căn cước công dân lại có đủ ngày tháng năm sinh.
Trên căn cước công dân mới, người trước đây chỉ có dữ liệu năm sinh sẽ có thêm ngày sinh 1-1.
Từ đó phát sinh việc vừa qua tại Đà Nẵng, có một số trường hợp người qua đời chưa nhận được tiền tử tuất vì hồ sơ cũ chỉ có năm sinh nhưng dữ liệu mới không trùng khớp do có thêm nội dung ngày tháng năm sinh.
Ông Nguyễn Văn Quang, cử tri xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, phản ánh việc người chú của ông qua đời hôm Tết. Trước đây trong chứng minh nhân dân cũ chỉ ghi năm sinh 1930, nhưng căn cước công dân mới ghi sinh ngày 1-1-1930.
"Chú qua đời đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được chế độ tử tuất do dữ liệu không đồng nhất, bảo hiểm chưa chịu chi trả", ông Quang phản ánh.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, tại địa phương này cũng có một số trường hợp tương tự, chủ yếu là người lớn tuổi, giấy tờ tùy thân trước đây chỉ ghi năm sinh.
Cử tri Hòa Vang phản ánh một số trường hợp chưa nhận được tiền tử tuất vì thẻ chứng minh ghi năm sinh, căn cước công dân ghi rõ ngày sinh - Video: TRƯỜNG TRUNG
Trước phản ánh này, ông Phạm Quốc Khánh, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng, cho biết thực hiện theo đề án 06 của Chính phủ, Đà Nẵng đã sử dụng căn cước công dân để thay thế nhiều loại giấy tờ, chủ yếu trong dịch vụ bảo hiểm y tế (để đi khám tại tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP) và giải quyết các chế độ liên quan đến bảo hiểm.
Ông Khánh cho biết hiện nay tại Đà Nẵng có khoảng 890.000 người thuộc đối tượng cấp căn cước công dân. Theo thông tin từ phía Công an TP thì việc cấp đổi căn cước công dân cơ bản đã hoàn thiện.
Đồng bộ hơn 90% dữ liệu
"Tôi có nghe phản ánh việc này nhưng kiểm tra lại thì chưa thấy có trường hợp tử tuất nào chưa được giải quyết. Trong kháng chiến, có nhiều cô chú sử dụng nhiều bí danh khác nhau, cả năm sinh ngày sinh cũng khác. Các trường hợp này chỉ cần đối chiếu hồ sơ gốc, hướng dẫn gia đình cam đoan 2 tên là 1", ông Khánh nói.
Tại buổi tiếp xúc, ông Khánh nói lời xin lỗi đối với trường hợp chưa được giải quyết và đề nghị cung cấp thông tin để giải quyết ngay trong hôm nay.
Theo ông Khánh, đến thời điểm này Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng đã đồng bộ hơn 90% dữ liệu liên quan đến các sai sót như năm sinh hoặc những trường hợp một cá nhân sử dụng 2-3 tên trong những giai đoạn trước đây.
Đại tá Vũ Văn Tấn, cục phó C06 - Bộ Công an, nêu rõ quy định cấp căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi sẽ không bắt buộc, mà thực hiện theo nhu cầu của người dân.