Không nổi đình đám như SpaceX của tỷ phú Elon Musk , một công ty tư nhân của Nhật Bản đã âm thầm phóng một tàu đổ bộ lên không gian từ 5 tháng nay và có triển vọng trở thành công ty tư nhân đầu tiên trên thế giới đáp thành công xuống Mặt Trăng.
Thậm chí công ty có tên ispace này còn mời cả thế giới chứng kiến khoảnh khắc đó khi tổ chức livestream cảnh tàu đổ bộ của Hakuto-R xuống bề mặt Mặt Trăng. Nhưng cuối cùng kỳ tích đã không diễn ra khi các lãnh đạo công ty thừa nhận sứ mệnh đã thất bại.
Quá trình hạ cánh này thông thường sẽ kéo dài khoảng một giờ khi tàu đổ bộ robot bắt đầu khởi động động cơ hạ cánh và tiếp đó tự động điều chỉnh hướng và tốc độ hạ cánh của Hakuto-R xuống Mặt Trăng.
Khi tàu vũ trụ hạ dần độ cao, nhóm điều khiển sứ mệnh vẫn liên lạc được với nó. Nhưng khi Hakuto-R tiến sát đến bề mặt Mặt Trăng, việc liên lạc đột ngột bị mất. thời điểm đó, trong căn phòng hàng loạt kỹ sư đang tỏ ra thất vọng, các lãnh đạo ispace cho biết, họ phải giả định rằng việc hạ cánh đã thất bại. Tuy nhiên CEO ispace, ông Takeshi Hakamand cho biết, công ty sẽ tiếp tục điều tra tình trạng của tàu đổ bộ.
"Tại thời điểm này, những gì tôi có thể nói là chúng tôi rất tự hào về thực tế rằng chúng tôi đã đạt được nhiều điều trong Sứ mệnh 1 này. Chúng tôi đã thu được dữ liệu bay thực tế trong quá trình hạ cánh. Đây sẽ là thành tựu lớn cho các sứ mệnh trong tương lai."
Theo cập nhật mới nhất từ phía ispace, lãnh đạo công ty cho biết sứ mệnh này có thể đã thất bại khi tuyên bố: "Chúng tôi không mong đợi phục hồi được liên lạc và quyết định rằng sẽ rất khó hoàn thành được sứ mệnh." Nhiều khả năng tàu vũ trụ đã không giảm tốc đủ chậm để hạ cánh nhẹ nhàng xuống bề mặt và thay vào đó, nó đã đâm mạnh xuống bề mặt và hư hỏng hoàn toàn.
Tháng 12 năm ngoái, tàu vũ trụ Hakuto-R được tên lửa Falcon 9 của SpaceX phóng lên không trung từ Florida, Mỹ để bắt đầu hành trình kéo dài hơn 3 tháng tiến về Quỹ đạo Mặt Trăng cho đến khi hạ cánh xuống bề mặt hành tinh này vào thứ Ba vừa qua. Dù chưa được xác thực, nhưng việc tàu đổ bộ mất liên lạc với Trái Đất vẫn cho thấy việc đổ bộ lên Mặt Trăng vẫn là một hành trình dù nó đã được khởi xướng từ hơn 60 năm qua.
Không giống như Trái Đất, bầu khí quyển Mặt Trăng mỏng hơn – vì vậy sẽ không có gì để hãm đà hạ cánh cho tàu đổ bộ khi đáp xuống bề mặt. Ngoài ra trên hành tinh này cũng không có hệ thống GPS để định hướng tới vị trí đổ bộ, do vậy, các kỹ sư phải tính toán bù trừ các thiếu sót này từ khoảng cách hơn 380.000 km trên Trái Đất.
"Chúng tôi không thể giả lập toàn bộ môi trường của Mặt Trăng trên Trái Đất trước sứ mệnh này." Ông Hakamada cho biết trong cuộc phỏng vấn với Mashable sau sự kiện. "Vì vậy chúng tôi phải dựa vào tất cả hệ thống giả lập có thể và rất nhiều giả định khác."
Hakuto-R cũng không phải nỗ lực tư nhân đầu tiên muốn hạ cánh xuống Mặt Trăng. Năm 2019, một tổ chức phi lợi nhuận của Israel và một công ty đã hợp tác với nhau trong một sứ mệnh trị giá 100 triệu USD có tên Beresheet để hạ cánh tàu đổ bộ xuống Mặt Trăng. Sứ mệnh sau đó thất bại khi bộ phận định hướng của tàu đổ bộ bị hỏng và làm nó đâm thẳng xuống bề mặt. Vụ tai nạn có thể đã phát tán mảnh vụn của tàu đổ bộ lên khắp bề mặt hành tinh.
Thất bại của ispace cũng làm trì hoãn giấc mơ lên mặt trăng của một quốc gia khác: sứ mệnh lên Mặt Trăng của các nước Ả rập – khi Hakuto-R mang theo xe thám hiểm Rashid của UAE lên hành tinh này để khám phá vùng miệng núi lửa Atlas. Bên cạnh đó, còn có một robot chương trình không gian khác của Nhật Bản.
Cho đến hiện tại, mới chỉ có 3 quốc gia thực hiện đổ bộ thành công xuống Mặt Trăng, bao gồm Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc.
Bất chấp thất bại lần này, ông Hakamada cho biết, ông không nản lòng với điều đó. Dữ liệu thu thập được từ chuyến bay sẽ giúp công ty chuẩn bị tốt hơn cho 2 sứ mệnh khác trong tương lai.