Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính liên quan đến đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trước đó, Bộ Công Thương đã nhận được kiến nghị của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công, các tỉnh Quảng Nam và Ninh Bình về việc ban hành chính sách giảm lệ phí trước bạ cho khách hàng, cũng như giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, duy trì nguồn thu ngân sách.
Bộ Công Thương ủng hộ giảm 50% phí trước bạ với ôtô trong nước. Ảnh minh hoạ
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh thị trường ôtô giảm sút mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ kích cầu. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ thì sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại một cách ổn định, bền vững.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp với tinh thần chung, góp phần kích cầu tiêu dùng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho. Theo Bộ Công Thương, có thể cân nhắc thời gian áp dụng chính giảm lệ phí trước bạ ôtô đến hết năm 2023.
Trước đó vào đầu tháng 4-2023, trong văn bản phản hồi kiến nghị đề xuất giảm lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính cho rằng chưa phù hợp.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc này như một khoản trợ cấp của Chính phủ. Việt Nam có thể nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước tại Việt Nam.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh trường hợp cần thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô thì phải áp dụng chung cho cả ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và ôtô nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của địa phương.
Theo cơ quan này, hiện dịch COVID-19 đã được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp.
Thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số bán xe toàn thị trường quý I/2023 năm giảm mạnh. Tính chung 3 tháng đầu năm, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 77.090 xe, giảm 31% so với cùng kỳ.