Cá voi có khả năng tăng lượng carbon được giữ lại trong hệ sinh thái của chúng. Nguồn: npr.org
Nghiên cứu mới chỉ ra cách thức các loài động vật gia tăng lượng carbon lưu trữ trong hệ sinh thái của chúng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ những loài này.
Voi, rái cá và cá voi có điểm gì chung? Tất cả các loài này đều làm tăng lượng carbon có thể được lưu trữ trong hệ sinh thái của chúng.
Voi phân tán hạt giống và giẫm nát thảm thực vật thấp, giúp cho các cây cao hơn phát triển. Rái cá ăn nhím biển, tạo điều kiện cho tảo sinh sôi. Cá voi kiếm ăn dưới tầng sâu và giải phóng chất dinh dưỡng khi chúng thở hay nghỉ ngơi trên bề mặt, từ đó kích thích sản lượng thực vật phù du.
Không chỉ riêng ba loài kể trên, nhà nghiên cứu Matthew Gould tới từ Anh và các cộng sự đang bắt đầu tìm hiểu về nhiều loài động vật khác có tác động phức tạp đến môi trường sống, làm thay đổi lượng carbon được lưu trữ trong các hệ sinh thái xung quanh chúng, cuối cùng tạo ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu.
Ví dụ, khi quần thể linh dương đầu bò ở Serengeti, Kenya, giảm mạnh do dịch bệnh, tình trạng cỏ mọc thừa đã bùng phát và trở thành nguyên nhân khiến các đám cháy rừng diễn ra thường xuyên, dữ dội hơn. Khi số lượng linh dương đầu bò tăng trở lại nhờ công tác quản lý dịch bệnh, các đám cháy cũng dần ít đi. Và thay vì giải phóng carbon, quần thể linh dương ở Serengeti đã góp phần lưu trữ carbon tốt hơn.
Ví dụ này đã được đưa vào bài nghiên cứu mà nhóm vừa xuất bản trên tạp chí khoa học Nature. Nó cho thấy rằng động vật có khả năng lưu trữ carbon trong hệ sinh thái của chúng, thông qua các hoạt động như ăn uống, di chuyển, giẫm đạp, đào bới, phóng uế và xây dựng nơi trú ẩn.
Xem xét một loạt các nghiên cứu khác nhau, bài báo kết luận rằng động vật hoang dã chỉ phát thải 0,3% lượng carbon trong tổng sinh khối toàn cầu, nhưng có thể tạo ra sự chênh lệch từ 15% đến 250% đối với lượng carbon được lưu trữ trong một hệ sinh thái nhất định.
Chúng ta biết rằng thứ gọi là "các giải pháp dựa trên tự nhiên" cần được đưa vào mọi chiến lược hiệu quả để giải quyết vấn đề khí hậu. Giảm lượng khí thải thôi là chưa đủ, chúng ta cần sử dụng sức mạnh to lớn của tự nhiên để loại bỏ carbon khỏi khí quyển và khóa chặt nó lại.
Nhưng nghiên cứu mới này mang đến nhiều bài học trọng yếu về cách mà con người theo đuổi các giải pháp dựa trên tự nhiên.
Thứ nhất là cách tự nhiên vận hành. Cụ thể, các cơ chế phức tạp mà tự nhiên đã phát triển có hiệu quả đáng kinh ngạc, theo những cách mà chúng ta chưa thực sự hiểu hết. Và con người đã phá vỡ các cơ chế này.
Việc cố gắng phát triển những công nghệ mới để thu giữ carbon có thể hợp lý. Nhưng sẽ rất tệ nếu chúng ta bỏ qua các cách thức khác cũng hiệu quả không kém mà thiên nhiên ban tặng. Con người có thể làm tốt hơn, nếu bớt đi một chút say mê với tài trí của mình và tôn trọng tự nhiên hơn một chút.
Điều này cho thấy chúng ta cần tránh thực hiện các biện pháp khắc phục nhanh chóng và đơn giản để chống biến đổi khí hậu, ví dụ chỉ tập trung trồng hệ thực vật để cô lập carbon mà không phát triển hệ động vật kèm theo.
Trọng tâm hiện tại của các giải pháp dựa trên tự nhiên chủ yếu là thực vật, ví dụ như khôi phục rừng ngập mặn, tảo bẹ và cỏ biển. Chúng rất quan trọng, nhưng chỉ có thể là một phần trong câu trả lời.
Tạp chí Nature đã dẫn ví dụ về Bắc Cực, nơi một lượng lớn carbon được lưu trữ trong lớp băng vĩnh cửu. Sự hiện diện của những đàn động vật lớn ở nơi này, thay vì hệ thực vật, sẽ giữ carbon tốt hơn, do chúng sẽ nén chặt tuyết và đất đóng băng khi di chuyển.
Như vậy, việc phục hồi các quần thể tuần lộc, ngựa hoang, bò xạ hương và bò rừng Bắc Mỹ có thể không phải là cách tiếp cận lý tưởng đối với nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu, nhưng lại là một phần quan trọng trong nỗ lực ấy.
Thứ hai là công tác bảo tồn. Chúng ta biết rằng thiên nhiên có thể phục hồi khi có cơ hội và quần thể động vật cũng có thể được khôi phục một cách nhanh chóng.
Chúng ta biết mình cần phải làm gì - động vật cần môi trường sống được bảo vệ, có lợi ích phù hợp với cộng đồng địa phương và các điều kiện sống được tái tạo để quần thể phát triển theo quy mô lớn.
Hiện tại, đã có nhiều ví dụ về sự thành công trong công tác bảo tồn, từ sự quay trở lại của loài chim diều đỏ tại Anh cho tới sự tái phục hồi của những con hổ trên đất Nepal và Ấn Độ.
Hiểu được vai trò của động vật trong việc giúp thiên nhiên thu giữ carbon có ý nghĩa sâu sắc đối với cách triển khai công tác bảo tồn.
Chúng ta đang rời xa mô hình bảo tồn cũ, vốn đề cao sự chia tách - tách thiên nhiên khỏi con người để thiên nhiên có thể phát triển. Điều này đơn giản là không đủ.
Thay vào đó, hoạt động bảo tồn mới lấy trọng tâm là giúp động vật hoang dã và con người cùng tồn tại, bằng cách hỗ trợ các nỗ lực giảm xung đột giữa hai bên. Chính cách tiếp cận này đã giúp các cộng đồng địa phương thành lập khu bảo tồn tê tê trên đảo Palawan ở Philippines, hay hỗ trợ xác định các giải pháp bảo vệ loài cá mập thiên thần đang bị đe dọa tại khu vực gần bờ biển của nước Anh.
Một thế giới nơi động vật hoang dã phát triển mạnh cũng là một thế giới có khả năng phục hồi cần thiết để chống chọi và giảm thiểu khủng hoảng khí hậu.
Tương lai của chúng ta gắn bó chặt chẽ với sự thịnh vượng của các loài động vật hoang dã trên thế giới. Nếu muốn tự cứu mình, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ các loài động vật./.
Xem thêm: mth.30240424162403202-uah-ihk-iod-neib-gnohc-tam-ib-ihk-uv-al-iov-ac-av-ac-iar-iov/nv.ertiout