Nội dung này được lãnh đạo TP HCM và các chuyên gia nêu tại hội thảo "Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050", sáng 26/4.
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, dù ngành công nghiệp thành phố có 50 năm phát triển liên tục nhưng đến nay, nền công nghiệp nhìn chung có công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp. "Biểu hiện này không chỉ ở các cơ sở sản xuất tư nhân mà còn cả trong doanh nghiệp lớn hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp", ông Hoan nói.
Còn theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, giai đoạn vừa qua, kết quả phát triển công nghiệp của TP HCM tốt nhưng chưa đạt đủ tầm vóc. "Bốn lĩnh vực trọng yếu chưa xuất hiện sản phẩm có thương hiệu và tính cạnh tranh cao", ông nói.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS) cũng cho thấy tỷ trọng công nghiệp của thành phố trong cơ cấu công nghiệp cả nước có xu hướng giảm dần. Giai đoạn 2016-2021, công nghiệp thành phố tăng trưởng 2,67%, trong khi cả nước tăng 6,8% mỗi năm. Riêng năm 2021, công nghiệp nơi đây giảm sâu trong khi cả nước tăng gần 4,5%.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo HIDS, do những hạn chế về nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai để thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn. Ban quản lý các Khu chế xuất - công nghiệp (Hepza) cho hay quỹ đất dành cho phát triển các khu công nghiệp của thành phố được Chính phủ phê duyệt cuối năm 2014 chỉ có tổng diện tích 5.921 ha, và đến nay vẫn không tăng.
Diện tích đất ít mà hiệu quả đầu tư chưa cao. Theo Hepza, một hecta đất công nghiệp thu hút vốn đầu tư bình quân 6,23 triệu USD. HIDS cũng dẫn nghiên cứu của Tổng cục Thống kê rằng ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp TP HCM thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Theo đó, chỉ 5,4% doanh nghiệp công nghiệp – xây dựng tại đây dùng công nghệ điện toán đám mây; 1,1% doanh nghiệp sử dụng robot; 2,2% sử dụng in 3D và 0,5% dùng công nghệ thực tế tăng cường vào sản xuất.
Ngoài ra, sự dịch chuyển sản xuất ra các tỉnh thành khác cũng góp phần giảm tỷ trọng ngành công nghiệp thành phố so với cả nước. Theo TS Huỳnh Thanh Điền, Đại học Nguyễn Tất Thành, sự phát triển của ngành công nghiệp thành phố tuân theo quy luật chu kỳ. Cụ thể, giai đoạn đầu, TP HCM phát triển nhờ xây các khu công nghiệp để thu hút đầu tư. Đến khi bão hòa, địa phương xây khu chế xuất, khu công nghệ cao để đón các dòng vốn lớn, chủ yếu lĩnh vực điện tử. "Nhưng cách này hiện cũng đã bão hòa, cần định hướng mới", ông Điền nói.
Để công nghiệp TP HCM lấy lại phong độ, các chuyên gia cho rằng cần sắp xếp lại các khu công nghiệp và chọn những ngành trọng điểm để đầu tư.
Hepza cho hay đầu tháng 4, UBND TP HCM đã phê duyệt Đề án "Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2040". Theo đó, giữ lại toàn bộ diện tích các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu để tiếp tục làm công nghiệp. Riêng những khu siêu nhỏ, xen cài khu dân cư chuyển đổi công năng thành khu dịch vụ công nghiệp.
Từ nay đến 2024, thí điểm chuyển đổi khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước theo hướng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện môi trường.
Với các khu thành lập nhưng chưa triển khai (Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Phong Phú, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng) và có dự án thành lập (Vĩnh Lộc 3, Hiệp Phước 3) được định hướng theo khu công nghiệp chuyên ngành, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Song song đó, các chuyên gia cho rằng TP HCM phải cơ cấu lại các ngành cần chú trọng phát triển và thu hút đầu tư, bên cạnh việc đã hạn chế nhóm thâm dụng lao động. Ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng giám đốc hãng tư vấn Roland Berger Việt Nam, đề xuất mô hình "4 + 5 + 6". Theo đó, giữ nguyên 4 ngành trọng yếu mà thành phố đã xác định thời gian qua gồm: điện - điện tử; hóa dược - cao su nhựa; cơ khí chế tạo máy và chế biến lương thực thực phẩm.
Cùng với đó, ưu tiên phát triển 5 ngành cụ thể mới là: công nghệ sinh học, thiết bị y tế, tự động hóa, thiết bị ngành năng lượng tái tạo. Để hệ sinh thái công nghiệp hoàn thiện cần 6 ngành dịch vụ hỗ trợ: du lịch, tài chính bảo hiểm, thương mại điện tử, y tế chất lượng cao, vận tải logistics, công nghệ giáo dục
"Mô hình trên sẽ giúp TP HCM liên kết chặt chẽ hơn với các tỉnh trong vùng, giúp hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, vùng sản xuất công nghiệp hiện đại mới", ông Trường cho biết.
Bản thân 4 ngành công nghiệp trọng yếu đang có cũng cần cải tổ theo chiều sâu. PGS Lại Quốc Đạt, Trường Đại học Bách khoa TP HCM đề xuất ngành cơ khí tự động hóa nên tập trung vào công nghệ khuôn mẫu, robot, ứng dụng Internet vạn vật; ngành cao su nhựa nên nhắm đến các mặt hàng phục vụ y tế, phụ gia, ôtô.
Riêng ngành chế biến lương thực thực phẩm, sản phẩm tươi sống chỉ nên đầu tư công nghệ xử lý, giết mổ rồi chuyển giao cho vùng nguyên liệu áp dụng. TP HCM chỉ nên làm khâu vận chuyển và lưu trữ. Với nhóm chế biến sâu cần nghiên cứu phát triển sản phẩm mới để xuất khẩu, sản xuất thực phẩm bổ sung, dịch vụ hỗ trợ.
Về dài hạn, một số chuyên gia cho rằng TP HCM cần đặt mình vào một vị thế mắc xích trong chuỗi sản xuất phía Nam và toàn cầu. "Công nghiệp thành phố muốn phát triển đừng hy vọng nhiều vào sản phẩm đầu cuối vì thế giới đã có rất nhiều. Thay vào đó, nên tập trung phụ trợ các công đoạn có giá trị gia tăng cao, kết nối với địa phương và quốc tế", TS Huỳnh Thanh Điền khuyến nghị.
Để thành mắc xích thật sự, ông Stephen Higgins, Giám đốc Điều hành Thị trường đầu tư, Cushman &Wakefield Việt Nam cho rằng TP HCM cần có chính sách phát triển 3 trung tâm gồm: R&D, đổi mới sáng tạo và dữ liệu.
Cùng với đó, học tập 3 trung tâm logisics lớn châu Á là Thượng Hải, Singapore, Dubai về cách trở thành điểm trung chuyển quan trọng của hàng hóa. Hiện vận tải biển ở thành phố đang khá phát triển nhưng năng lực vận tải hàng không của sân bay Tân Sơn Nhất còn kém so với Nội Bài. "Việc này hy vọng sẽ cải thiện khi sân bay Long Thành hoàn tất", ông nói.
Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TP HCM cũng cho rằng địa phương cần vượt qua được hàng loạt thách thức chung trong thu hút FDI, bao gồm: thiếu nhà cung ứng nội địa; khó khăn xin cấp phép lao động nước ngoài; không thể nhập thiết bị sản xuất có tuổi trên 10 năm; hay hệ thống chính sách, quy định và khung pháp lý cho các dự án hạ tầng mất nhiều thời gian.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhìn nhận, cơ cấu kinh tế TP HCM đang chuyển đổi theo hướng hiện đại với dịch vụ chiếm tỷ trọng cao (65%), nhưng vẫn phải quan tâm thúc đẩy sản xuất công nghiệp. "Đây là nhu cầu tất yếu để phát triển cân bằng, bền vững", ông nói. Vì vậy, thành phố cần tất cả thành phần từ các cấp quản lý, doanh nghiệp và người dân thay đổi tư duy phát triển công nghiệp.
Ông Bùi Tá Hoàn Vũ, Giám đốc Sở Công Thương cũng cho hay thành phố đang rất cần xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp giai đoạn tới. Về cơ bản, chiến lược này sẽ tiếp thu các khuyến nghị của chuyên gia trong việc gắn kết với các địa phương phía Nam, chuỗi cung ứng khu vực, tận dụng các xu thế phát triển công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn.
Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài khuyến nghị thành phố sớm hoàn thiện danh mục sản phẩm công nghiệp thế mạnh, tiếp tục thực hiện chương trình khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ và kích hoạt lại chương trình kích cầu từng thành công. "Chúng tôi kỳ vọng TP HCM vẫn là đầu đàn về công nghiệp", ông Hoài nói.
Viễn Thông