Thông điệp trên được Chủ tịch HĐQT Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ tại phiên họp thường niên ngày 26/4. Đây là đại hội cổ đông đầu tiên của Vietjet mà bà Thảo điều hành ở cương vị Chủ tịch HĐQT thay vì CEO như mọi năm.
Người đứng đầu Vietjet cho biết bên cạnh việc tiếp tục mở rộng các đường bay nội địa, hãng cũng có chiến lược phát triển mạnh mạng bay quốc tế. Năm ngoái, Vietjet đã phát triển lên các đường bay quốc tế tầm trung với việc đưa tàu bay thân rộng Airbus A330 vào khai thác.
Theo bà Thảo, Vietjet cũng tiên phong mở các đường bay mới đến Ấn Độ, Australia và Kazakhstan thời gian qua, chứ không lấy khách của các hãng hàng không khác. "Vietjet đi đầu phát triển, các hãng khác sẽ đi cùng theo để khai phá thị trường đông dân nhất thế giới như Ấn Độ, hay những thị trường đầy hấp dẫn, khác biệt như Australia", bà nói.
Ông Đinh Việt Phương, người cũng mới được bổ nhiệm là CEO Vietjet, thông tin thêm năm nay sẽ tiếp tục mở các đường bay mới đến Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ông cũng khẳng định Vietjet sẽ luôn mang đến cơ hội bay tốt cho khách hàng.
Hiện tại, Vietjet khai thác trên 100 đường bay trong nước và quốc tế. Trên mạng bay nội địa với việc khai thác 18 sân bay trong nước, hãng sẽ tăng cường các đường bay liên kết vùng, bay chéo để người dân mọi miền có thể đi lại thuận tiện.
Theo Planespotters, Vietjet đang có 77 tàu bay, gồm 5 chiếc A330, 54 chiếc A321 và 18 chiếc A320. Độ tuổi trung bình của đội tàu bay Vietjet dưới 7 năm, thấp hơn 2 đối thủ trong nước Vietnam Airlines và Bamboo Airways.
Năm 2023, theo ông Phương, Vietjet sẽ tiếp tục nhận thêm tàu bay cả thân rộng A330 và thân hẹp để nâng tổng đội tàu bay lên 87 chiếc năm 2023. Ngay trong tuần này, hãng sẽ nhận thêm 3 tàu bay hiện đại nhất của Airbus - A321 ACF để kịp phục vụ dịp lễ 30/4.
Sau hai năm dịch bệnh và bất ổn địa chính trị làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, các hãng hàng không toàn cầu đối mặt việc khan hiếm tàu bay. Nhu cầu bổ sung tàu bay của các hãng đều tăng do nhu cầu đi lại lớn, nhất là tại châu Âu, Mỹ, Trung Đông.
Với Vietjet, ông Phương cho biết đã được cả Airbus và Boeing khẳng định giao tàu theo đúng cam kết và kế hoạch tài chính của Vietjet đã đáp ứng đầy đủ cho việc này.
"Không phải hãng nào cũng có thể phát triển đội tàu bay theo đúng kế hoạch mong muốn", ông Phương nói.
Bà Thảo cũng chia sẻ Vietjet có kế hoạch tiếp nhận đội tàu bay Boeing 737. Hiện nay nhà sản xuất Boeing đã rất tự tin sau quá trình hoàn thiện 737 để trở thành một trong những dòng máy bay an toàn nhất thế giới. Trước đó, hồi tháng 7 năm ngoái, Vietjet và đạt được thoả thuận về tái cấu trúc và tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt mua 200 tàu bay Boeing 737.
Tính cả thoả thuận với Airbus, Vietjet còn hơn 300 máy bay đang đặt hàng. Những năm trước dịch, Vietjet vẫn ghi nhận doanh thu hàng chục nghìn tỷ từ bán và thuê lại tàu bay (sales and leaseback). Cụ thể, hoạt động này năm 2019 mang về cho hãng hơn 12.000 tỷ đồng và gần 19.800 tỷ đồng năm 2018.
Chủ tịch Vietjet giải thích hãng đặt lượng lớn tàu bay, thời gian nhận dài theo kế hoạch nên được giá mua tốt hơn thị trường. Do đó, khi nhận tàu, Vietjet có thể bán lại ra, thu về khoản chênh lệch chính đáng.
Đồng thời, Vietjet cũng phải đặt nhiều tàu để đảm bảo đội tàu bay luôn trong trạng thái mới và hiện đại. Theo bà Thảo, tàu bay cũng có tuổi thọ vận hành, nên hãng phải đưa thêm tàu về, mới có thể thay thế chiếc cũ.
Năm nay, Vietjet đạt mục tiêu vận chuyển 25,7 triệu lượt khách, trên 140.000 chuyến bay với hệ số sử dụng ghế 87%. Hãng lên kế hoạch doanh thu hơn 50.100 tỷ đồng, trong đó doanh thu vận tải hàng không chiếm hơn 82%. Chỉ tiêu này tăng khoảng 25% so với năm ngoái và cũng gần bằng mức trước dịch năm 2019. Vietjet dự kiến năm nay có lãi trở lại với khoản lợi nhuận sau thuế khoảng 1.000 tỷ đồng.
Anh Tú