vĐồng tin tức tài chính 365

Ba lý lẽ của nhóm bị hại kêu oan cho 'tiến sĩ dạy làm giàu'

2023-04-27 03:28

Chiều 25/4, sau 4 năm điều tra lại và phiên xét xử lần hai kéo dài 7 ngày, ông Phạm Thanh Hải, 57 tuổi, cựu Chủ tịch Công ty IDT, tiếp tục bị TAND Hà Nội tuyên phạt chung thân, như bản án 5 năm trước.

Vụ án được toà đánh giá đặc biệt nghiêm trọng, số lượng bị hại lớn, khiến nhiều gia đình lâm cảnh khó khăn, kiệt quệ kinh tế, gây hoang mang bất bình cho xã hội.

Toà tuyên ông Hải bồi thường hơn 572 tỷ cho 543 người. 31 người còn lại không nhận là bị hại, không yêu cầu bồi thường, từ chối tư cách bị hại và yêu cầu trả tự do cho bị cáo. Trong số này có ông Khôi, 79 tuổi, trú Hà Nội.

Ông Khôi là giảng viên về hưu, biết đến ông Hải qua cháu trai, cũng là giảng viên đại học ở Hà Nội. Từ năm 2013, người cháu thành nhân viên IDT, toàn tâm theo ông Hải để "học làm giàu".

"Anh Hải là tiến sĩ Toán - Lý từ Nga về, đã kinh doanh 10 năm, dự án hợp pháp và rất sáng sủa. Bác cứ yên tâm đầu tư dù ít hay nhiều, không mất đâu", ông Khôi kể lại lời người cháu nói năm 2015.

Ông Khôi tò mò, lên mạng gõ tìm trang web hoclamgiau.vn của ông Hải.

Ông Phạm Thanh Hải phân tích về những dự án tỷ USD, trong những ngày diễn ra phiên toà. Ảnh: Danh Lam

Bị cáo Hải phân tích về những dự án tỷ USD, trong những ngày diễn ra phiên toà. Ảnh: Danh Lam

Nhớ lại "không khí làm giàu sục sôi" những ngày đó, khi chân còn khoẻ, ông Khôi nhiều lần đến các hội thảo của ông Hải. "Mỗi lần Hải vẫy tay bước vào sân khấu, hội trường kín mấy nghìn người đồng loạt đứng dậy, vỗ tay", ông kể.

Ngày 19/4 vừa qua, những tràng pháo tay khi thấy ông Hải đã lặp lại ở không gian khác - phòng xét xử của TAND Hà Nội. Ông Hải giơ đôi tay bị còng, vẫy lại. Sau mỗi lần bị cáo Hải khai, nhóm ông Khôi đồng loạt vỗ tay tán thưởng. Họ là những bị hại bày tỏ quan điểm ủng hộ bị cáo Hải, luôn đến sớm nhất, mang theo cơm ở lại xuyên trưa tại toà, về cuối cùng.

Theo họ, sự ủng hộ mình dành cho ông Hải hoàn toàn tỉnh táo, có căn cứ và dựa trên ba lý do chính sau.

"Dự án chắc chắn có lãi"

Theo cáo buộc, ông Hải lập website hoclamgiau.vn, tổ chức các hội thảo dạy làm giàu trong khi Công ty IDT làm ăn bết bát. Tiến sĩ này quảng bá có tài đầu tư, kinh doanh, các dự án của mình đều siêu lợi nhuận, ai góp vốn sẽ được trả lãi suất 40-50% mỗi năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền.

Ông Khôi thừa nhận, khi tìm hiểu về ông Hải, mức lãi suất cao bất thường nói trên cũng là điều duy nhất gây nghi ngờ. Dự thêm một vài hội thảo, được ông Hải giải thích, ông Khôi nói "thấy vô cùng yên tâm".

Ông Khôi kể, theo lời ông Hải, các dự án đầu tư đều ở dạng start up công nghệ, "sau này bán mô hình cho nước ngoài, lợi nhuận có thể từ nhân từ một USD lên vài tỷ USD". Cho rằng đây là cách làm giàu rất "trí tuệ chân chính", ông Khôi tin tưởng, "cộng đồng làm giàu của mình" dưới sự tổ chức của ông Hải có thể sánh ngang Amazon, Facebook, hay Tik tok.

Bà Thanh, kế toán viên về hưu, trú Hà Nội, cũng nằm trong số 31 người muốn "kêu oan" cho bị cáo. Bà nói: "Ai nghĩ ông Hải lừa đảo đều không hiểu gì về kinh doanh".

Bà không nhận là bị hại, mà là angel investor - nhà đầu tư thiên thần. Tức những người đầu tư cho các dự án khởi nghiệp với số vốn nhỏ nhất "nhưng khi thắng lợi thì cao ngất", bà giải thích.

Theo bà, việc ông Hải lấy tiền người sau trả người trước là không sai, vì chắc chắn dự án sẽ thắng lớn. "Đó chỉ là hình thức ông Hải quay vòng vốn", bà Thanh phân trần thay bị cáo và khẳng định chưa một phút giây nghi ngờ về tính khả thi các dự án.

Khai tại phiên toà hôm 20/4, bị cáo Hải đảm bảo, nếu không bị bắt giam, dự án hoclamgiau.vn sẽ thu hút 2 triệu người sau hai năm. Các dự án đều sắp sinh lãi tỷ USD thì bị bắt.

Thực tế, toà xác định 9 dự án bị cáo Hải rót tiền, đều không có khả năng sinh lãi như hứa hẹn. Điển hình, một số dự án được đầu tư hơn 20 tỷ đồng nhưng phải 6 năm sau, mới cho lãi 2 triệu đồng mỗi năm. Các dự án còn lại với đầu tư 2-20 tỷ đồng đều chưa cho lợi nhuận.

Trong hơn 2.700 tỷ đồng các nhà đầu tư nộp về, hồ sơ vụ án thể hiện, ông Hải chỉ dùng đầu tư 99 tỷ đồng (3,6 %). Còn đa số, ông Hải lấy tiền người sau trả người trước, cho vay cá nhân và gửi ngân hàng.

Tin điều này, ông Khôi, bà Thanh và các "nhà đầu tư thiên thần" khác vẫn kiên định nếu "tiến sĩ ra tù, sẽ tiếp tục góp tiền cho anh làm giàu".

"Tiền của tôi, đầu tư vào đâu là quyền tôi"

Trình bày tại phiên toà, 31 bị hại ủng hộ ông Hải cho rằng nhận thức rõ và chấp nhận các rủi ro khi đầu tư vào các dự án. "Tiền của tôi, tôi có quyền đầu tư cái gì tuỳ tôi chứ", bị hại Việt, 81 tuổi nói tại toà và cho rằng đây "cùng lắm" là tranh chấp hợp đồng dân sự, không phải lừa đảo. Ông đề nghị toà trả tự do cho Hải và để ông "tự thương lượng".

Phản đối ý kiến của ông, bà Hiền, 67 tuổi, một nhà đầu tư bị thiệt hại gần 6 tỷ đồng trong vụ án, cho rằng "lừa một người cũng là tội lừa đảo" và bà là một trong số đó. Bà khẳng định nộp tiền vì tưởng dự án là của công ty IDT, thấy dấu đỏ của IDT trong hợp đồng. "Chứ góp tiền cho cá nhân ông Hải, tôi không bao giờ. Anh chị em trong nhà, bố con còn không tin tưởng được nữa là người dưng", bà nói.

Các bị hại như bà Hiền thừa nhận mắc bẫy vì tham lãi cao, hoàn toàn không hiểu biết gì về đầu tư, kinh doanh.

VKS xác định trong các hợp đồng ký với các bị hại, Hải đều ký với tư cách cá nhân, song nêu chức danh Chủ tịch công ty IDT, dùng dấu đỏ của IDT để tạo sự tin tưởng. Hơn nữa, giấy phép kinh doanh của IDT cũng không có nội dung huy động vốn, hoạt động tín dụng.

Theo cáo buộc toàn bộ 2.725 tỷ đồng thu của các nhà đầu tư, ông Hải chỉ đạo nhân viên không vào sổ thu chi, do đó, số tiền trên chỉ tạm tính dựa trên phiếu thu của các bị hại trình báo.

Càng về sau, người nộp tiền càng đông, số tiền lớn, nâng số tiền gốc, lãi mà Hải phải trả mỗi tháng lên tới hàng trăm tỷ đồng. VKS cáo buộc, để có tiền chi trả các bị hại, ông Hải buộc phải tiếp tục dùng thủ đoạn gọi vốn lãi cao, mục đích chính là "để các nhà đầu tư không phát hiện việc không có khả năng chi trả; tránh để họ tố cáo với cơ quan pháp luật".

"Tiến sĩ Hải là nhân tài"

Sau tám năm dự các lớp dạy làm giàu, bà Thanh vẫn nói "biết ơn" vì ông Hải đã cho bà những bài học mà khoa thương mại, trường đại học năm xưa bà theo học, không hề có. Ông Hải dạy bà kỹ năng "đọc vị" dự án ma, kiến thức lựa chọn dự án để "tránh bị lừa".

Bà Thanh nói điều duy nhất khiến hối hận là không biết ông Hải sớm hơn, để học làm giàu sớm hơn.

Ba lý lẽ của những bị hại kêu oan cho tiến sĩ dạy làm giàu - 1

Hợp đồng góp vốn đầu tư ký với ông Hải từ 8 năm trước vẫn được các bị hại giữ. Ảnh: Danh Lam

"Chương trình học làm giàu của anh Hải thực sự là dự án đầy trí tuệ. Xã hội có người có tiền nhưng không có kiến thức, có người muốn kinh doanh nhưng không có vốn. Anh ấy lập ra môi trường để chúng tôi gặp gỡ và bù đắp cho nhau", bà Thanh chia sẻ.

Bà Thanh không tiết lộ học phí cho những buổi học này song cho rằng "không đáng kể", vì diễn giả ông Hải mời đến nói chuyện đều "tầm cỡ thế giới". "Anh Hải phải ở cái tầm nào mới mời được", bà nói.

Do đó, việc thành viên phải trả tiền đến nghe dạy làm giàu, theo bà, là "sòng phẳng". Còn ông Khôi cho rằng "sai lầm của tiến sĩ Hải chỉ là quá ngây thơ, gặp phải đối tác không đáng tin".

Trong khi đó, bà Thể, 72 tuổi, Việt kiều Nga cho hay, quen ông Hải từ những năm ở Nga và rất hiểu về bị cáo. "Anh Hải là nhân tài, là cánh chim đại bàng giữa bầu trời doanh nhân, nắm dự án tỷ USD nhưng không có một đồng giữ riêng", bà vừa nói vừa khóc, rồi hát hai bài sáng tác riêng tặng bị cáo.

Bài hát có đoạn: "Những người tầm thường đâu thấy con đường anh đi/Sau này trăm năm anh mà mệt yếu/Sẽ có hàng ngàn tỷ phú đến thăm".

Bà Thể góp 10 tỷ đồng, chưa nhận lãi. Bà Thanh góp 150 triệu đồng, chưa nhận lãi. Ông Khôi góp 600 triệu đồng, được trả 60 triệu đồng. Các ông bà đều khẳng định sẽ "thành tỷ phú nếu ông Hải không bị bắt". Họ nói sẽ tiếp tục "kêu oan" thay bị cáo.

Ngày 19-24/4, TAND Hà Nội lần thứ hai xét xử ông Hải về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo nội dung kết tội, ông Hải thành lập và làm Chủ tịch HĐQT Công ty IDT từ năm 2007, hoạt động trong dịch vụ hỗ trợ giáo dục, tư vấn quản lý; sản xuất bán buôn bán lẻ thực phẩm, hoá chất công nghiệp và tổ chức hội nghị, hội thảo. Việc kinh doanh không hiệu quả, một năm sau, ông Hải lập website hoclamgiau.vn, tổ chức các hội thảo dạy làm giàu.

Trong các buổi học này, ông Hải tự giới thiệu là tiến sĩ, nhiều kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh tại Liên Xô, có tài đầu tư, kinh doanh. Ông nói IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây công nghiệp "tỷ đô" macca, có siêu dự án...

Hợp đồng đều sử dụng con dấu của IDT song thực chất là góp vốn cho cá nhân ông Hải. Việc sử dụng số tiền này ra sao, ông không cho nhà đầu tư biết.

Ông Hải chỉ dùng 99 tỷ đồng trong hơn 2.700 tỷ đồng huy động được (tức 3,6%) để góp vào 9 dự án "chưa có lợi nhuận, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao". Ông Hải mất hoàn toàn khả năng thanh toán cho các "nhà đầu tư" này, tổng hơn 576 tỷ đồng là thiệt hại vụ án.

* Tên nhân vật đã thay đổi

Thanh Lam

Xem thêm: lmth.3756954-uaig-mal-yad-is-neit-ohc-nao-uek-iah-ib-mohn-auc-el-yl-ab/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ba lý lẽ của nhóm bị hại kêu oan cho 'tiến sĩ dạy làm giàu'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools