Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Căn cước, trước đề nghị của cơ quan này về việc rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các nội dung trong dự thảo luật.
Quy định cấp thẻ căn cước cho người gốc Việt Nam
Theo Chính phủ, việc sửa đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước để bao quát các đối tượng, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Lý giải về việc bổ sung đối tượng này, Chính phủ cho hay các luật hiện hành đều không quy định quản lý căn cước với người gốc Việt Nam.
Trong khi đó, có một bộ phận không nhỏ người gốc Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư... đều không có thông tin hoặc bất cứ giấy tờ nào chứng minh về nhân thân, lai lịch. Vì vậy, quy định quản lý căn cước với người gốc Việt Nam là cần thiết và phù hợp.
Đối với việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, Chính phủ cho hay giấy tờ này sẽ không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh.
Tuy nhiên, thẻ căn cước sẽ có tiện ích hơn trong đi lại, học tập, khám chữa bệnh, thực hiện giao dịch hằng ngày, cũng như phục vụ cho công tác quản lý nhà nước.
Dự toán chi phí cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi (có 19 triệu người) là 900 tỉ đồng.
Song Chính phủ cho biết chi phí này sẽ thay thế cho nhiều chi phí khác của công dân dưới 14 tuổi khi các dữ liệu được tích hợp, nên hiệu quả mang lại rất lớn.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên.
Theo đó, thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ với các thông tin được tích hợp trong thẻ căn cước, ví dụ như thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn...
Nhiều thông tin tích hợp người dân sử dụng làm các thủ tục
Quy định này không xung đột với quy định của pháp luật liên quan, trong khi người dân, tổ chức không phải tốn thời gian, công sức, chi phí để trích lục, sao y, chứng thực...
Việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước được phân cấp, phân quyền cụ thể và cần phải được người dân đồng ý thông qua việc xác thực bằng quét vân tay, khuôn mặt trên thiết bị hoặc qua ứng dụng di động VNelD.
Người dân bị mất thẻ căn cước nếu bị người khác sử dụng thẻ căn cước trái phép cũng không khai thác được thông tin tích hợp.
Liên quan đến yêu cầu đánh giá thêm việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, Chính phủ cho biết đây là yêu cầu không bắt buộc và thực hiện theo nhu cầu của người dân, phù hợp với quy định luật xuất nhập cảnh.
Với một số nội dung thể hiện trên căn cước, sẽ lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ “thẻ căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...
Chính phủ cho hay hiện Bộ Công an đã cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ.
Vì vậy, việc quy định hiệu lực thi hành của luật này từ ngày 1-7-2024 và thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân từ ngày 31-12-2024 cơ bản không tác động đến người dân.
Quy định này sẽ hạn chế việc tiếp tục sử dụng chứng minh nhân dân cũ, có tính bảo mật không cao bằng thẻ căn cước và không có nhiều tiện ích; thúc đẩy người dân thay đổi thói quen bằng việc sử dụng thẻ căn cước gắn chip điện tử.
Nhiều nội dung thông tin trên thẻ căn cước sẽ thay đổi như: lược bỏ vân tay, quê quán sẽ là nơi đăng ký khai sinh.
Xem thêm: mth.22970821262403202-nad-gnoc-couc-nac-eht-ueirt-08-nag-pac-ad/nv.ertiout