Giá đồng tiền chung châu Âu hiện tăng 0,05% so với USD, lên mỗi euro đổi 1,104 USD. Vài giờ trước, giá mỗi euro lên 1,109 USD – cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.
Dollar Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 tiền tệ lớn - hiện ở mức 101,4 điểm. Hôm 26/4, chỉ số này giảm 0,42%.
Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu hôm 26/4 nâng dự báo tăng trưởng cho năm nay lên 0,4%, nhờ sản xuất phục hồi. Một khảo sát khác cũng cho thấy niềm tin tiêu dùng tại đây tiếp tục tăng.
Ngược lại, số đơn hàng hóa lâu bền (capital goods) tại Mỹ giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 3. Khủng hoảng tại ngân hàng First Republic Bank ngày càng trầm trọng. Giới chức Mỹ cũng chưa thể thống nhất việc nâng trần nợ công sau nhiều tháng bế tắc.
"Bức tranh tươi sáng tại các nền kinh tế eurozone đã hỗ trợ cho đồng euro", Kristina Clifton – chiến lược gia tiền tệ tại Commonwealth Bank of Australia nhận định.
Lạm phát Mỹ vẫn duy trì ở mức cao, gây sức ép thắt chặt lên Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nhà đầu tư hiện dự báo xác suất Fed nâng lãi thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) tháng tới là 80%. Nhưng đây có thể là mức đỉnh, vì sau đó Fed được kỳ vọng bắt đầu giảm lãi.
Dù vậy, Tony Sycamore – nhà phân tích tại IG cho biết ngưỡng cản với tỷ giá EUR/USD hiện là 1,075 USD. Vì thế, ông dự báo giá euro vẫn có thể lùi về 1,08 USD.
Giá yen Nhật Bản và đôla Australia hiện không đổi so với USD. Thị trường dự báo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ trong cuộc họp hôm nay. Nhà đầu tư cũng kỳ vọng tương tự với Australia.
Giá Bitcoin – tiền số phổ biến nhất thế giới – hiện quanh 29.000 USD. Hôm qua, Bitcoin còn lên trên 30.000 USD, do nhà đầu tư lo ngại về hệ thống ngân hàng Mỹ.
Hà Thu (theo Reuters)