Việc làm của ông "Hai lúa" tưởng chừng không giống ai, đi ngược thời đại nhưng lại rất có ý nghĩa.
"Sống lại ký ức lúa mùa trong tôi"
Lọt thỏm giữa không gian thị trấn Minh Lương (huyện Châu Thành, Kiên Giang), mảnh đất rộng 25.000m2 của ông Tư Việt được bố trí "lạ đời" mà khoa học.
Ngoài trưng bày sản phẩm gạo lúa mùa thơm ngon, ông Tư Việt còn xây căn nhà lưu giữ nhiều nông cụ đậm nét nông dân Nam Bộ xưa. Song chúng tôi và khách du lịch ấn tượng nhất là khoảng đất sau hè với những ô vuông gieo cấy đủ loại giống lúa mùa - có giống lúa mới trổ bông, có giống lúa trổ chín vàng rực.
Năm nay, ông Tư Việt ngót 60 tuổi, rất mạnh khỏe. Ông kể quê nội ông ở Sài Gòn. Năm 1959, tía má ông nên nghĩa vợ chồng rồi về xứ Cù Là (Kiên Giang) mần ăn. Do gia cảnh khó khăn nên học lớp 2 trường làng là ông Tư Việt đã biết mang cơm ra ruộng đi đuổi chim, bắt cá nhảy hầm, mắc cạn.
Lớn lên, ông rành cây lúa mùa "sáu câu vọng cổ". Và với người khác không biết sao, nhưng với ông thì cây lúa truyền thống này đã trở thành cả bầu trời thương nhớ.
Nhắc đến đời sống cây lúa mùa, ông cho rằng nó được kết tinh của quá trình lao động sáng tạo của ông bà xưa khai khẩn, canh tác trên vùng đất miền Tây Nam Bộ và được lưu truyền qua nhiều đời như phát dọn cỏ, cày bừa đất đai, gieo mạ, nhổ mạ, cấy lúa, làm cỏ, gặt lúa, chuyển lúa về nhà, đập lúa và đổ bồ...
"Đến giữa thập niên 1990, cây lúa mùa ở quê tôi đã vắng bóng. Tôi thương nhớ ký ức ruộng đồng đã gắn bó nên ráng giữ cây lúa từng nuôi sống ông cha và một phần đời mình. Năm 2016, tôi bắt đầu tìm tòi phục dựng và làm sống lại lúa mùa trên chính vùng đất quê hương mình", ông nhớ lại.
Bộ sưu tập 40 giống lúa mùa
Chuyện phục dựng lúa mùa nói nghe dễ, nhưng khi bắt tay vào làm, ông Tư Việt cho biết không hề "dễ ăn". Có đất sẵn, ông phải tính đến chuyện giống lúa. Làm bằng cách nào và làm ra sao khi xung quanh ruộng người dân vẫn quen mần lúa ngắn ngày bón phân và xịt thuốc hóa học?
"Lúa mùa làm thuần túy là tôi không phun thuốc trừ sâu hay bón phân", ông chắc nịch nói.
Quan sát chúng tôi thấy xung quanh ruộng lúa mùa ông mần đều được gia cố bằng đê bao lớn để hạn chế việc ảnh hưởng phân, thuốc của những ruộng kế bên.
Trong phần diện tích ruộng đang có, ông phân chia những ô nhỏ khác nhau để gieo các giống lúa mùa mà nay rất hiếm như Thần Nông 5 (IR5), Thần Nông 8 (IR8), Tào Hương, Châu Hồng vỏ, Sa Quay, Một Bụi, Móng Chim Rơi và Nàng Thơm cồn Vĩnh Quới... (nguồn gốc Nàng Thơm chợ Đào). Tất cả các giống lúa mùa trên ông đều cất công lặn lội lên các viện, trường đại học để xin nguồn gen về trồng phục hồi.
"5 năm qua, tôi đã trồng được 40 giống lúa mùa. Giống nào thấy phát triển được tôi sẽ nhân nó lên. Giống không đạt, tôi gửi lại nguồn gen cho trường đại học trữ đông lưu giữ", ông nói.
Hiện ông đang nghiên cứu cấy hai giống lúa dẻo và mềm cơm là Tào Hương và Nàng Thơm cồn Vĩnh Quới. Để có được hai giống lúa này, thông thường ông sẽ chọn ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch để chuẩn bị gieo mạ lúa mùa.
Mần lúa mùa ít tốn công chăm sóc nên sau khi cấy lúa xong ông dùng bạt cao su bao quanh ruộng, đặt hình thằng bù nhìn để cho chim, chuột sợ không vào cắn phá lúa.
Ông Tư Việt còn nghiên cứu mô hình kết hợp nuôi cá, vịt và bèo (làm phân hữu cơ) trên ruộng lúa để làm ra môi trường tự nhiên và không cần sử dụng phân thuốc hóa học nhưng cây lúa mùa vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng, sinh trưởng và phát triển tốt.
Với lúa mùa không phân thuốc, ông cho rằng chúng sẽ cho năng suất đạt 12 - 15 giạ/công (2 - 2,5 tấn/ha). Lúa trúng "bể bồ" cũng chỉ được 18 - 20 giạ/công (3,7 - 3,8 tấn/ha).
Du khách mê trải nghiệm
Ruộng lúa ông Tư Việt hôm nay vào vụ gặt. Những bông lúa mùa chắc hạt "gục đầu" cong xuống sát mặt ruộng khiến chúng tôi và du khách mê mẩn với cảnh đẹp mộc mạc của ruộng đồng.
"Tôi cũng nghe nói lúa mùa, nhưng hôm nay mới thấy tận mắt. Cây lúa dài, bông lúa cũng dài nữa. Các con tôi rất thích", chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (ở phường An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang) vừa ôm bông lúa trên tay vừa vui vẻ nói.
Ngoài chèo xuồng len lỏi trên mương, chị Hạnh và các du khách khác đến đây đặc biệt còn tự trải nghiệm gặt lúa mùa, đập lúa, xay lúa rồi tát mương, bắt cá. Rảnh tay, chị Hạnh và gia đình mình đốt lửa nướng cá lóc ăn để nhớ để thương cái hương vị quê nhà.
Ông Du Tố Tuấn - giám đốc Vietravel chi nhánh TP Rạch Giá - cho biết du lịch theo hướng trải nghiệm đi rừng, lội kênh hay tát mương bắt cá ở miền Tây đã quá thân quen với du khách. Đồng thời, việc phục dựng văn hóa lúa mùa chỗ ông Tư Việt rồi cho khách đến tham quan là sản phẩm du lịch độc đáo và mới lạ ở đất Kiên Giang này.
"Cách làm của chú Tư là gìn giữ nét văn hóa lúa mùa của người Việt. Tới đây, chúng tôi có dự định xuống khảo sát và nếu được sẽ đưa vào tour phục vụ khách du lịch trải nghiệm", ông Tuấn vui vẻ nói thêm.
Giúp nông dân thêm thu nhập
Nhanh tay cắt lúa trên đồng, bà Út chia sẻ người dân địa phương hiện làm lúa ngắn ngày. Lúa chín đều được bà con thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Do đó, kể từ ngày ông Tư Việt quay về phục dựng lại văn hóa lúa mùa thì bà Út mới có dịp cầm lại cái lưỡi hái cắt lúa ngoài đồng.
"Tôi làm cho chú Tư lâu rồi. Lúa chín là chú kêu tôi cắt. Mỗi ngày chú gửi tôi 200.000 đồng. Số tiền không nhiều nhưng sống ở nông thôn cũng giúp gia đình ổn định cuộc sống. Cháu đi học, thỉnh thoảng tôi cũng có tiền cho được", bà Út vui vẻ kể.
Gìn giữ cả trăm nông cụ xưa
Trong căn nhà lợp mái lá mát rượi, ông Tư Việt trưng bày các nông cụ xưa như cái cày, bồ đập lúa, cây gặt lúa, máy suốt lúa và nhiều dụng cụ dùng để bắt cá, bắt chuột. Chúng đều được ông bỏ công sưu tầm và mang nét văn hóa của người dân Nam Bộ xưa.
"Có những nông cụ tôi phải mất rất nhiều thời gian để sưu tầm. Có những cái tôi phải đi xin hoặc mua bằng tiền để lưu giữ lại ký ức xưa", ông nói.
TTO - Ông Hồ Quang Cua kể chuyện để có hạt lúa nổi danh ST25 trên vùng cao, đồng bào trên này cũng mấy phen vất vả.
Xem thêm: mth.92680310172403202-aum-aul-gnoig-04-pat-uus-ob-oad-cod/nv.ertiout