Gửi báo cáo tới Uỷ ban Kinh tế để phục vụ phiên thẩm tra về kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng đã thông tin về tình hình phát triển nhà ở xã hội hiện nay.
Theo Bộ Xây dựng, đến nay cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2.
Hiện có 418 dự án đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2.
Trong số này đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án thuộc chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích 3.135.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000 m2.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị cũng đã hoàn thành đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ, tổng diện tích khoảng 4.815.000 m2. Còn 291 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, tổng diện tích khoảng 14.520.000 m2.
Riêng từ năm 2022 đến nay, tổng số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân KCN đã được khởi công là 20 dự án với tổng số khoảng 37.791 căn, trong đó, nhà ở xã hội 17 dự án quy mô 34.431 căn.
Nêu khó khăn trong xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng phản ánh, theo pháp luật thì Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để được miễn tiền sử dụng đất, chủ đầu tư vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn. Việc này làm phát sinh thủ tục hành chính, mà theo báo cáo của các doanh nghiệp thì để thực hiện thủ tục này mất tới 1-2 năm.
Khó khăn tiếp theo liên quan đến quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội. Do luật quy định các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (20%) nên hầu hết các địa phương không bố trí các quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập.
Quy định này cũng khiến việc bố trí quỹ đất không phù hợp, dẫn đến quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội thời gian qua thiếu nhiều so với nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương.
Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng khó khăn do chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đất đai.
Vẫn trong loạt khó khăn được nêu ra, Bộ Xây dựng thông tin, Luật Nhà ở 2014 quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng. Thế nhưng, trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này, dẫn đến tình trạng các căn hộ này để không, lãng phí, trong khi đó chủ đầu tư không được bán nên không thu hồi được vốn, làm giảm thu hút đầu tư và không khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội để cho thuê.
Bộ Xây dựng nhìn nhận, các ưu đãi cho chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế, được dành 20% tổng diện tích đất ở (hoặc diện tích sàn xây dựng) để kinh doanh nhà ở thương mại (hoặc sàn kinh doanh thương mại), được vay vốn với lãi suất ưu đãi… là không thực chất. Chủ đầu tư không được hưởng mà là người dân được hưởng vì theo quy định không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội.
Đề cập đến giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội cũng là một vướng mắc khi chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp... trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% nên không thu hút được doanh nghiệp.
Việc không quy định thời điểm xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và việc xác định giá phải được UBND cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp, làm tăng chi phí.
Trong khi đó, quy định đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện (chưa có nhà ở, phải cư trú trên địa bàn tỉnh có nhà ở xã hội, thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân) và phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định dẫn đến người dân và chính quyền phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ, khó khăn trong việc xác nhận các điều kiện.
Để khắc phục các bất cập, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh đến yêu cầu thực hiện hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể.