Chiều 27-4, sau một ngày xét xử, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra phán quyết với ba bị cáo buôn 8 cuộn tôn giả nhãn hiệu Tôn Phương Nam, nặng 31 tấn.
Mua 8 cuộn tôn giả chưa kịp bán thì bị bắt
Hội đồng xét xử tuyên y án bị cáo Nguyễn Minh Hưng (39 tuổi, trú TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) 30 tháng tù, Lê Văn Hùng (38 tuổi, trú huyện Đại Từ) 18 tháng tù và Phan Tuấn Anh (36 tuổi, trú TP Thái Bình) 24 tháng tù về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Cả 3 bị cáo đều được cho hưởng án treo.
Bản án xác định, ngày 22-10-2021, công an kiểm tra Công ty sản xuất và thương mại thép Hùng Cường do Hùng quản lý và phát hiện 8 cuộn tôn mạ màu dán tem nhãn của Công ty Tôn Phương Nam nhưng không do doanh nghiệp này sản xuất.
Bị cáo Hưng là trưởng phòng kinh doanh của Công ty tôn Vikor (ở Thái Bình) và Tuấn Anh là nhân viên kinh doanh dưới quyền. Cả hai còn là cộng tác viên bán hàng cho Công ty Kim khí Thái Bình.
Tháng 9-2021, cả hai tới huyện Đại Từ, giới thiệu sản phẩm "Tôn Phương Nam" do Công ty tôn Vikor sản xuất với "hình dạng giống nhau" nhưng có giá trị thấp hơn trên thị trường. Hùng đã đặt hàng 8 cuộn tôn giả nhãn hiệu này để kinh doanh, nhưng chưa kịp bán thì bị công an bắt giữ.
Tranh cãi về tội danh
Vụ án này, ban đầu ba bị cáo bị khởi tố về tội buôn bán hàng giả, nhưng về sau thay đổi sang tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đây cũng là một trong những vấn đề được viện kiểm sát và luật sư dành nhiều thời gian tranh luận tại tòa.
Tại tòa, đại diện Công ty Tôn Phương Nam nêu quan điểm không đồng ý với tội danh trên, cho rằng ba bị cáo phạm tội "buôn bán hàng giả".
Doanh nghiệp này cũng kiến nghị làm rõ người sản xuất ra 8 cuộn tôn giả nhãn hiệu nói trên rồi bán cho các bị cáo để tránh bỏ lọt tội phạm. Do đó, đại diện Tôn Phương Nam đề nghị tòa trả hồ sơ, điều tra lại tội danh của các bị cáo cũng như xác định nguồn gốc số hàng giả.
Luật sư của công ty dẫn nghị định 98/2020, nội dung hàng giả gồm "giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm, mã số mã vạch, mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố của hàng hóa".
Do đó, luật sư cho rằng việc tòa sơ thẩm nhận định do không giám định được tiêu chuẩn chất lượng đối với 8 cuộn tôn nên không xem xét đây là hàng giả là chưa chính xác, không phù hợp với quy định pháp luật.
Nêu quan điểm đối đáp, viện kiểm sát cho rằng về nguồn gốc hàng hóa, cơ quan điều tra đã tiến hành thu thập tài liệu và hóa đơn chứng từ tại các công ty Viko và Kim khí Thái Bình, xác định tất cả hóa đơn đầu vào không có tài liệu chứng minh.
Viện kiểm sát cũng cho rằng các bị cáo buôn bán hàng kém chất lượng, đều có trao đổi bàn bạc, phân công nhiệm vụ mà không cần đồng phạm khác.
Theo viện kiểm sát, "vẫn biết làm rõ nguồn gốc rất quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền, lợi ích của Tôn Phương Nam", nhưng vụ án từng bị trả hồ sơ điều tra bổ sung mà "không thể làm gì hơn".
"Kể cả luật sư bảo hủy, điều tra lại thì cũng không thể chứng minh được", viện kiểm sát đối đáp quan điểm của luật sư.
TTO - Qua kiểm tra nhiều địa điểm ở quận 12 (TP.HCM), lực lượng chức năng thu giữ hơn 30.000 nón vải giả nhãn hiệu có giá trị hơn 30 tỉ đồng nếu bán theo giá hàng thật.
Xem thêm: mth.114136172403202-hnad-iot-ev-aot-iat-iac-hnart-aig-not-nouc-mat-noub/nv.ertiout