Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam chiều 27/4 tổ chức Hội nghị phản biện về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo dự thảo mới nhất, thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể (khi giao đất, cho thuê hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất...) thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Thẩm quyền xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp, ban hành bảng giá đất hằng năm sau khi được HĐND thông qua thuộc về UBND cấp tỉnh.
Nói bên lề với VnExpress, GS Nguyễn Đăng Dung, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam, bày tỏ lo ngại với hướng tiếp cận của dự thảo.
Ông dẫn một số vụ sai phạm về đất đai hiện nay đều bắt nguồn từ việc định giá đất sai ở cấp địa phương và cụ thể là lãnh đạo UBND cấp tỉnh. Vì vậy, việc đưa thẩm quyền quyết định giá đất cho "cấp dễ để xảy ra sai phạm là rất đáng lo".
Chuyên gia này cũng chỉ ra thực trạng "tỉnh nào cũng muốn định giá đất thấp, để thu hút nhà đầu tư, lôi kéo GDP", song, đây lại chính là vấn đề. Giá đất thấp là cơ hội để cán bộ bắt tay với doanh nghiệp, lợi ích nhóm. "Sai phạm, tham nhũng thường bắt nguồn từ giá đất mà ra. Cho địa phương quyết định giá đất tôi rất lo lắng", ông nói.
Theo ông Dung, việc định giá đất phải đảm bảo hai yếu tố là cơ quan định giá có chuyên môn, năng lực cao và độc lập, khách quan, không bị chi phối bởi các tổ chức chính trị - xã hội. Ông kiến nghị cơ quan soạn thảo trao thêm quyền cho Hội đồng thẩm định giá đất, để họ thực sự có quyền quyết định, không bị chi phối bởi các cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần tính đến công tác đào tạo chuyên gia thẩm định giá đất thực sự có chất lượng để phục vụ mục tiêu lâu dài. Và nếu trước mắt chưa thể có ngay, Bộ cân nhắc cơ chế thuê chuyên gia nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng khoa Pháp luật Kinh tế Đại học Luật Hà Nội, cũng bày tỏ lo ngại với tính khách quan trong xây dựng bảng giá đất tại dự thảo.
Điều 155 quy định Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất. Trong quá trình thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường được thuê tổ chức tư vấn định giá để xây dựng, thẩm định bảng giá đất; trình Hội đồng thẩm định xem xét trước khi trình UBND cấp tỉnh.
Tuy nhiên, bà Nga cho rằng nếu quy định như dự thảo, việc thuê tổ chức tư vấn không phải quy trình bắt buộc. Sở Tài nguyên hoàn toàn có thể không thuê mà tự thông qua các phòng ban, chuyên môn để xây dựng bảng giá đất.
"Nếu bảng giá đất được xây dựng không do tổ chức có chức năng, chuyên môn nghiệp vụ thực hiện liệu có đảm bảo được tính hiệu quả hay không, có đáp ứng được yêu cầu của thị trường hay không", bà Nga bày tỏ quan điểm.
Bên cạnh đó, cơ quan tư vấn, định giá, thẩm định và cơ quan quyết định phải độc lập với nhau trong khâu định giá. Tuy nhiên, dự thảo đang xây dựng theo hướng UBND cấp tỉnh là cơ quan quyết định giá đất nhưng Sở tài nguyên và môi trường có trách nhiệm giúp xây dựng bảng giá đất.
Với quy định trên, về bản chất Sở Tài nguyên và Môi trường không phải là một cơ quan định giá độc lập mà thẩm quyền định giá vẫn là UBND cấp tỉnh. "Do đó, UBND cấp tỉnh vừa là cơ quan định giá vừa là cơ quan quyết định giá; điều này đã phản ánh sự không độc lập, không phù hợp và thiếu tính đồng bộ với nguyên tắc đã được đưa ra", bà Nga nói.
Chuyên gia này cũng nhìn nhận, Dự thảo luật Đất đai có sửa quy định về trình tự, thủ tục ban hành bảng giá đất nhưng không có đột phá so với Luật Đất đai năm 2013 khi ban hành giá đất cụ thể.
"Tôi cho rằng quy định này phản ánh thực chất đây chỉ là bình mới, rượu cũ, vẫn tồn tại tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi với thẩm quyền quyết định cao nhất thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh", chuyên gia nói.
Theo kế hoạch, dự luật Đất đai sửa đổi sẽ được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội lần 2 tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc 22/5) và xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023.
Sơn Hà