vĐồng tin tức tài chính 365

Dòng tiền hối lộ chuyến bay giải cứu

2023-04-28 03:28

Trong “thị trường ngầm“ này, mức hối lộ không phụ thuộc vào chức vụ của mỗi cán bộ. Vai trò trong quy trình cấp phép và mức độ gây khó dễ mới quyết định giá chung chi.

Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế, là người đứng đầu danh sách bị can về số tiền nhận hối lộ - gần 43 tỷ đồng từ 18 nhóm doanh nghiệp, cá nhân trong 253 lần "giao dịch". Là người tiếp nhận báo cáo về việc duyệt kế hoạch chuyến bay từ Cục Y tế dự phòng để trình lãnh đạo, tuy nhiên, Kiên đã thoả thuận với đại diện doanh nghiệp, ra giá cụ thể cho từng chuyến bay, hành khách. Bị can này cũng là cán bộ duy nhất có cách làm ăn riêng để giúp 179 khách lẻ trong và ngoài nước được phê duyệt bay, thu về gần 15 tỷ đồng.

Không chỉ làm việc đơn lẻ, Kiên còn liên kết với Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), để "gợi ý" doanh nghiệp chi tiền. Sau Kiên, Tuấn là người nhận số tiền lớn thứ hai, hơn 27 tỷ đồng - gấp gần 4 lần cấp trên là Trần Văn Dự - Phó trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (7,6 tỷ đồng). Một số cán bộ tại cơ quan này bị cáo buộc đã tạo thành lợi ích nhóm.

Trong đó, Tuấn sau khi nhận công văn xin ý kiến của Bộ Ngoại giao đã liên hệ nhiều doanh nghiệp, hẹn gặp và yêu cầu chi tiền, cấp phép chuyến bay. Cán bộ này còn bị cáo buộc cố tình gây khó dễ, tác động cấp trên không phê duyệt hồ sơ dẫn tới doanh nghiệp phải đưa hối lộ. Tuy nhiên, Tuấn nhiều lần nhận tiền riêng mà không chung chi với hai đồng sự.

Bộ Ngoại giao - đầu mối chủ trì lên kế hoạch cấp phép bay, cũng là nơi có nhiều bị can nhận hối lộ nhất. Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Lãnh sự, nhận hơn 25 tỷ đồng, nhiều hơn cấp trên là cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng (21 tỷ đồng). Không chỉ nhận hối lộ, bà Lan còn bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho doanh nghiệp "thân cận", có nhiều chiêu trò làm khó công ty chưa chi tiền "bôi trơn" như: sát ngày bay mới thông báo, hoặc đột ngột thay đổi kế hoạch…

Để qua hết các "cửa", 18 nhóm doanh nghiệp với khoảng 100 pháp nhân đã thỏa hiệp, "bắt tay" cán bộ để đạt được mục đích.

Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) xác định, có 515 cuộc đưa - nhận hối lộ diễn ra tại Hà Nội, cả trong những ngày phong tỏa. Một nửa số vụ đút lót được xác định địa điểm ngay tại trụ sở Cục Lãnh sự, Văn phòng Chính phủ, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Y tế. Số còn lại được giao - nhận ở nhà riêng, các địa điểm công cộng (ngã tư đường, xe ôtô, bến xe buýt…), hoặc qua tài khoản người thân để che giấu hành vi.

Địa điểm nhận hối lộ

Click để xem chi tiết

Thị trường mua bán chuyến bay giải cứu dần tới hồi kết khi giữa tháng 12, các đường bay thương mại quốc tế được thí điểm khôi phục từ ngày 1/1/2022, theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải. Các chuyến bay và những khoản hối lộ cuối cùng được thực hiện dồn dập.

Đến tận giữa tháng 1, nhiều bị can tại Bộ Ngoại giao vẫn còn nhận tiền đút lót cho những chuyến bay đã thoả thuận từ trước. Ngày 12/1/2022, Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Lãnh sự, nhận 1,5 tỷ đồng của Hoàng Diệu Mơ ngay tại phòng làm việc. Hôm sau, Lưu Tuấn Dũng, nguyên Phó Phòng Bảo hộ công dân, cũng nhận 30 triệu từ nhân viên của Mơ.

Hơn hai tuần kể từ lần tham nhũng cuối cùng, những cán bộ trên cùng lúc bị bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Ngay sau đó, nhiều bị can đã nhận tiền đút lót tìm cách trả lại. Chỉ trong hai ngày 28-29/1, Phạm Trung Kiên liên hệ đại diện 7 doanh nghiệp, chuyển trả hơn 8 tỷ đồng. Vũ Anh Tuấn cũng chủ động trả lại tiền cho những người từng đưa hối lộ. Đến nay, các bị can đã khắc phục 36 tỷ đồng trong tổng số hơn 165 tỷ tiền tham nhũng.

Số tiền các bị can đã đưa/nhận hối lộ, hưởng lợi và khắc phục

Nhận hối lộĐưa hối lộMôi giới hối lộ

Đánh giá về vụ án, Bộ Công an cho biết đây là vụ tham nhũng "đặc biệt nghiêm trọng" bởi các chính sách nhân văn đã bị lợi dụng trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng. Hoạt động phạm tội của 54 bị can tinh vi, bí mật. Người tham gia ở cả trong và ngoài nước, từ Trung ương đến địa phương.

Quá trình điều tra, dòng tiền là chìa khoá để mở toang các góc khuất trong vụ án. Các bị can đã đối phó quyết liệt, tiêu huỷ tài liệu, chứng cứ, tẩu tán tài sản, gây nhiều khó khăn cho cơ quan công an.

Một năm rưỡi kể từ vụ tham nhũng đầu tiên bị phát hiện, đại án chuyến bay giải cứu vẫn chưa đến hồi kết. Nhiều lời khai về danh sách của một số cán bộ nhận tiền chung chi vẫn đang được làm rõ.

Thu Hằng - Hoàng Khánh - Thanh Hạ - Việt Đức - Phạm Dự

Về dữ liệu:

- Dữ liệu trong bài được lấy từ kết luận điều tra vụ án của Bộ Công an

- Nguồn ảnh bị can trong bài từ Bộ Công an, và website Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản (bị can Nguyễn Hồng Hà)

- Bài viết tập trung phân tích các bị can đưa, nhận, và môi giới hối lộ để mua, bán giấy phép chuyến bay giải cứu. Do đó, không bao gồm các trường hợp bị truy tố tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (Hoàng Văn Hưng, nguyên cán bộ Công an; Nguyễn Anh Tuấn, nguyên phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội), và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ (các bị can ở Đại sứ Việt Nam tại Malaysia)

- Theo kết luận điều tra, hành vi của dấu hiệu nhận hối lộ tại Bộ Quốc phòng được tách riêng cho Bộ này điều tra theo thẩm quyền nên bài viết không đề cập vì chưa có thông tin.

Xem thêm: lmth.5464954-uuc-iaig-yab-neyuhc-ol-ioh-neit-gnod/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Dòng tiền hối lộ chuyến bay giải cứu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools