Đây là lời khuyên của ông Cao Thế Anh - chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc ALO Media, đơn vị sở hữu bản quyền chương trình truyền hình về việc làm Whose chance? - Cơ hội cho ai? - dành cho các bạn trẻ.
Một số khảo sát quốc tế gần đây cho thấy có nhiều lời than phiền về gen Z trong công việc, mà nhiều nhất là lời than phiền nhân viên gen Z thiếu kỷ luật, thích chống đối, kiêu ngạo và không ngại "bật sếp".
Liệu thói "chống đối" và "bật sếp" của gen Z có phải thể hiện tư duy phản biện của các bạn trẻ?
Phản biện chứ không phải chống đối
Whose chance? - Cơ hội cho ai? - show truyền hình lọt Top 3 chương trình giải trí ấn tượng nhất Giải thưởng VTV Awards 2022 - ngay từ mùa 2 năm 2020 đã đưa vấn đề phản biện vào trong vòng 1 - vòng đối mặt của cuộc thi trên sóng truyền hình này.
Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi với ông Cao Thế Anh tại cuộc họp báo công bố bản quyền quốc tế của chương trình Whose chance? - Cơ hội cho ai? ngày 27-4 về vai trò tính phản biện trong môi trường làm việc và tính phản biện của các bạn trẻ hiện nay trong môi trường làm việc thực tế ở Việt Nam.
Ông Cao Thế Anh khẳng định tính phản biện rất quan trọng. Nhiều nước trên thế giới trẻ em được dạy về tư duy phản biện từ nhỏ.
Ông Thế Anh mượn lời ông Hoàng Nam Tiến - phó chủ tịch Đại học FPT, một trong những "sếp" ngồi ghế nóng của Whose chance? - Cơ hội cho ai? - để khẳng định vai trò của tư duy phản biện trong môi trường làm việc: "Nếu các bạn trẻ đi làm mà chỉ ngoan ngoan cố gắng thì rất khó thành công".
Ông nêu thực tế rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam vẫn thích lối làm việc trên bảo dưới phải nghe, nhân viên phải ngoan, nhưng gần đây cũng có nhiều nơi, đặc biệt là ở khối tư nhân, rất khuyến khích tinh thần phản biện của nhân viên, nhằm khai thác tối đa khả năng sáng tạo của người lao động.
Tuy nhiên, tổng giám đốc ALO Media cũng lưu ý các bạn trẻ cần hiểu tư duy phản biện một cách khoa học. Đừng nhầm lẫn thái độ hễ thích là "bật sếp", thích là "nhảy việc" như một số bạn trẻ hiện nay là tư duy phản biện.
Ngoài sự nhầm lẫn trong cách hiểu tư duy phản biện của một số bạn trẻ, ông Thế Anh đánh giá Gen Z có rất nhiều lợi thế: tiếp cận công nghệ sớm, có nhiều điều kiện đọc, học, lắng nghe hơn hẳn các thế hệ trước… Nếu được tạo điều kiện để phát triển tư duy phản biện đúng đắn, được lắng nghe nhiều hơn bởi các lãnh đạo thì sẽ đạt hiệu quả tốt.
Show truyền hình đầu tiên được giới thiệu bán bản quyền ra thế giới
Tại buổi họp báo, ông Cao Thế Anh cho biết Whose chance? - Cơ hội cho ai? mùa 5 đã được VTV sắp xếp vào khung giờ vàng 20h30 tối thứ tư hằng tuần trên kênh VTV, thay cho khung giờ buổi trưa trước đây.
Đặc biệt, ALO Media đã ký hợp đồng với nhà phân phối nội dung truyền hình Global Agency của Thổ Nhĩ Kỳ để hãng này giới thiệu bán bản quyền Whose chance? ra thế giới.
Đây cũng là chương trình truyền hình đầu tiên của Việt Nam được giới thiệu bán bản quyền ra nước ngoài.
Ông Izzet Pinto - nhà sáng lập và giám đốc Global Agency cho biết công ty này đã lựa chọn Whose chance? bởi đây là một chương trình thú vị, có thể thu hút khán giả từ đầu đến cuối chương trình, và rất dễ để bản địa hóa ở các khu vực khác nhau.
Global Agency dự định sẽ giới thiệu chương trình này ở Đức, Pháp và một số nước khác. Vài ngày trước, hãng đã chính thức giới thiệu chương trình này tại sự kiện MIPTV, Cannes, Pháp cùng với hai chương trình khác.
Rất nhiều sinh viên năm nhất, năm hai đến với talk show "Nhân sự gen Z và những xu hướng tuyển dụng mới nhất". Điều này làm cho các vị khách mời hôm đó khá ngạc nhiên nhưng không quá bất ngờ.
Xem thêm: mth.45604030272403202-neib-nahp-al-iahp-oc-ceiv-yahn-pes-tab-hciht-mal-id-z-neg/nv.ertiout