Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam giảm hơn 12 tỉ USD so cùng kỳ 2022
Tin tức từ Tổng cục Hải quan, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4-2023 (tính từ ngày 1 đến 15-4) đạt 13,24 tỉ USD, giảm 19,2% (tương ứng giảm 3,14 tỉ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 3-2023.
Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 4-2023 giảm so với kỳ 2 tháng 3-2023 ở một số nhóm hàng.
Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 672 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 565 triệu USD.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 434 triệu USD. Sắt thép các loại giảm 230 triệu USD; hàng dệt may giảm 211 triệu USD...
Như vậy, tính đến hết 15-4-2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 92,5 tỉ USD, giảm 12,1%, tương ứng giảm 12,73 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, một số nhóm hàng giảm như điện thoại các loại và linh kiện giảm 2,71 tỉ USD; hàng dệt may giảm 1,84 tỉ USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 1,45 tỉ USD; giày dép giảm 1,05 tỉ USD... so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Úc giảm 30% so với cùng kỳ
Cũng theo tin tức từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Úc đạt 1,78 nghìn tấn, trị giá hơn 19 triệu USD, giảm hơn 21% về lượng và giảm hơn 29% về trị giá so với tháng 3 năm trước.
Tính chung cả quý 1, giảm 27,1% về lượng và giảm 30,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, tháng 3, trong khi xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang Úc đều giảm, xuất khẩu cá tra, basa, mực các loại, ốc, bạch tuộc có dấu hiệu phục hồi.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm do lạm phát và lãi suất cao tác động đến nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong dài hạn đây vẫn là thị trường nhiều tiềm năng bởi nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thị trường này có xu hướng tăng.
Theo báo cáo thống kê nghề cá và nuôi trồng thủy sản Úc năm 2021 của Tổ chức Công nghiệp thủy sản Úc, trong năm 2020 - 2021, người tiêu dùng Úc đã tiêu thụ khoảng 356.000 tấn thủy sản, tương đương với 13,9 kg/người. Con số này tăng 1,5 kg/người so với năm 2019.
Trong đó, 62% lượng thủy sản tiêu thụ tại Úc là từ nguồn nhập khẩu. Cá ngừ, cá hồi là một số loại cá được tiêu thụ thường xuyên nhất.
Việt Nam cung cấp 5,8% xoài cho Hàn Quốc
Theo số liệu của Bộ Công Thương dẫn lại từ Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), trong 3 tháng năm 2023, Hàn Quốc nhập khẩu 8.000 tấn xoài, trị giá 36,4 triệu USD.
Tuy nhiên lượng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 5,8% tổng lượng xoài nhập khẩu.
Thị trường cung cấp xoài lớn nhất cho Hàn Quốc là Peru, chiếm 63,4% tổng lượng xoài nhập khẩu vào Hàn Quốc; tiếp theo là thị trường Thái Lan, chiếm 28,1%.
Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 3 cho "xứ sở kim chi".
Hiện tại, thị trường còn nhiều cơ hội dể doanh nghiệp Việt xuất khẩu xoài đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này; cũng như tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc.
Các điểm du lịch miền Bắc dự kiến hút khách kì nghỉ lễ 30-4
Do giá vé máy bay đến các điểm nghỉ dưỡng quen thuộc như Phú Quốc, Nha Trang cao ngất ngưởng hồi đầu tháng 4, nhiều du khách đã lựa chọn thay đổi lịch trình thành các điểm đến gần hơn tại miền Bắc.
Ông Bùi Thanh Tú, giám đốc marketing Công ty du lịch Best Price, cho biết khoảng 30% lượng khách nội địa có dự định đi chơi bằng đường hàng không trong kì nghỉ lễ của công ty này đã chuyển sang các điểm đến gần hơn tại miền Bắc như Mộc Châu (Sơn La), Hòa Bình, Hạ Long (Quảng Ninh)…
Đặc biệt, trong kì lễ 30-4 kéo dài 5 ngày, các điểm đến tại miền Bắc có nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Tại Ninh Bình, lễ hội Hoa Lư được diễn ra từ 28-4 đến 30-4 với các trải nghiệm văn hóa cho du khách như biểu diễn trống nhảy, cồng chiêng, các trò chơi dân gian như múa rối nước, tổ tôm điếm, chọi gà, bắn cung, bắn nỏ…
Tại Mù Cang Chải (Yên Bái) sẽ diễn ra hai hoạt động lớn trong dịp lễ này gồm: "Ngày hội thống nhất" và "Festival dù lượn bay trên mùa nước đổ" năm 2023. Các hoạt động tại điểm đến này đều mang tính trải nghiệm cao gắn liền với đời sống người dân bản địa.
Mộc Châu (Sơn La) cũng là điểm đến yêu thích của du khách trong dịp lễ này bởi khí hậu trong lành mát mẻ. Trải nghiệm hấp dẫn nhất tại Mộc Châu đợt này là hoạt động hái mận tại vườn.
Thời tiết trong kì nghỉ lễ tại miền Bắc được dự báo khá mát mẻ, tuy nhiên các thiên đường biển như Hạ Long (Quảng Ninh), đảo Cát Bà (Hải Phòng), đảo Cô Tô (Quảng Ninh), biển vô cực (Thái Bình), biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) hứa hẹn sẽ đông đúc trong dịp lễ này.
TP.HCM tính chuyện cấm xe giường nằm vào nội đô 24/24 giờ
Ngày 27-4, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan, nghiên cứu cấm xe khách giường nằm vào trung tâm TP.HCM 24/24 giờ (thay vì cấm từ 6h-22h như hiện nay).
Theo ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM, kể từ tháng 1-2023, TP.HCM cấm xe khách giường nằm vào nội đô trong khung giờ 6h-22h.
Sau thời gian triển khai, đơn vị rà soát, đánh giá phương án này đã phát huy tác dụng nhất định. Cụ thể là giảm hẳn tình trạng ùn tắc giao thông, số điểm đón trả khách sai quy định giảm từ 76 xuống 60 điểm.
Dù vậy, tình trạng đón, trả khách sai quy định vẫn còn ở tuyến quốc lộ, tuyến vành đai cấm. Nhất là các dịp lễ, tết tình trạng này gây mất trật tự an toàn giao thông.
Tới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM yêu cầu lực lượng chức năng tích cực ra quân, xử phạt đối với trường hợp "bến cóc, xe dù".
Đồng thời lấy ý kiến để tiếp tục mở rộng phạm vi, tăng thời gian cấm xe khách giường nằm vào nội đô TP lên 24/24 giờ.
"Người dân nên vào đúng bến, đi đúng xe bởi các xe trên được quản lý, kiểm tra định kỳ và bảo an toàn trước khi xuất bên. Chúng ta nên tìm các kênh thông tin chính thống bán vé, không mua vé ngoài bến xe đảm bảo an toàn, an tâm", ông Hải khuyến cáo.
Tin tức COVID-19 tại TP.HCM
Tin tức từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính từ 16h ngày 26-4 đến 16h ngày 27-4, TP.HCM ghi nhận 298 ca COVID-19, 88 ca nhập viện, 29 ca xuất viện, 353 ca đang điều trị, 97 người cần hỗ trợ hô hấp.
Số ca mắc, nhập viện do COVID-19 tại TP vẫn đang có chiều hướng tăng nhẹ trong thời gian gần đây.
UBND TP đã có công văn khẩn yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp nghỉ lễ, kích hoạt trở lại chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Tổ chức các điểm tiêm vắc xin COVID-19 hoạt động xuyên suốt kỳ nghỉ lễ, trong đó đảm bảo mỗi quận, huyện và thành phố Thủ Đức duy trì ít nhất 2 điểm tiêm phục vụ nhu cầu tiêm vắc xin COVID-19 của người dân.
Chủ động rà soát các nguồn lực, khôi phục lại hoạt động của đơn vị, khoa điều trị COVID-19 theo nguyên tắc 4 tại chỗ; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 khi dịch bệnh có khả năng diễn biến phức tạp.
Ngày 27-4, nước ta ghi nhận 2.958 ca COVID-19. Đây là ngày có số mắc cao nhất trong hơn 6 tháng qua, có 85 bệnh nhân đang thở oxy.
Một số tin tức đáng chú ý: Đề xuất 200 xe điện chở khách tham quan TP.HCM; Chấn chỉnh bệnh viện công chuyển bệnh nhân ra bệnh viện tư; Mở thêm tuyến buýt kết nối bến xe Miền Đông cũ và mới...
Xem thêm: mth.47874629072403202-od-ion-oav-man-gnouig-ex-nah-mac-hnit-mch-pt-4-82-gnas-cut-nit/nv.ertiout