vĐồng tin tức tài chính 365

TP.HCM 'tiếp lửa' chủ tịch phường, xã

2023-04-28 08:23

HÀNH ĐỘNG VÌ DÂN

Trước đây, đường Trần Hải Phụng, xã Phạm Văn Hai (H.Bình Chánh) là điểm nóng về tình trạng mất vệ sinh môi trường nhiều năm liền. Tuyến đường này vắng vẻ, dân cư thưa thớt nên kẻ xấu đã lợi dụng chở chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp đến đổ 2 bên đường, khối lượng ước tính hàng trăm tấn. Nhiều người đến đây đốt rác, đốt dây điện lấy lõi đồng, khói đen bay nghi ngút lan đến các khu dân cư lân cận, gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc.

TP.HCM 'tiếp lửa' chủ tịch phường, xã - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tặng bằng khen cho chủ tịch phường, xã, thị trấn có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong năm 2022

SỸ ĐÔNG

Không chấp nhận tình trạng này kéo dài nên từ cuối năm 2020, ông Trần Thanh Huy, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hai, đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổng vệ sinh, tổ chức hơn 20 đợt ra quân để cải tạo môi trường. Các đợt tổng vệ sinh thu hút hàng ngàn lượt cán bộ, công chức xã, đoàn thanh niên, công an, dân quân và người dân, doanh nghiệp… cùng tham gia. Sau đó, địa phương trồng hoa mười giờ, hoa chiều tím dọc 2 bên lề đường với chiều dài hơn 1 km. Chuyển biến về môi trường tại tuyến đường này mất rất nhiều công sức, nhưng giữ được thành quả càng khó hơn bởi nhiều đối tượng vẫn lén lút đổ trộm rác thải bất kể ngày đêm.

Do vậy, UBND xã Phạm Văn Hai phối hợp Công ty TNHH cây trồng TP.HCM và Xí nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi Hóc Môn - Bình Chánh (là 2 đơn vị quản lý rừng và kênh thủy lợi dọc tuyến đường) phân công lực lượng tuần tra, giám sát các ngày trong tuần. Thấy chính quyền hành động và đạt kết quả tích cực, người dân cũng sẵn sàng tham gia, góp sức để hạn chế xe lén về đổ chất thải. Tổng kinh phí thực hiện công cuộc cải tạo chỉ khoảng 120 triệu đồng nhưng người dân sinh sống gần tuyến đường Trần Hải Phụng đang cảm nhận được sự thay đổi từng ngày.

Ông Trần Thanh Huy là một trong số 312 chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn tham dự hội nghị gặp gỡ giữa Chủ tịch UBND TP.HCM và chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn năm 2023 với chủ đề nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số, diễn ra chiều qua (27.4). Đây là hoạt động thường niên của Chủ tịch UBND TP.HCM nhằm lắng nghe những vướng mắc của cấp xã, nơi gần dân nhất để tháo gỡ, hoặc những sáng kiến, mô hình mới có thể nhân rộng.

ĐÀO TẠO CÁN BỘ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Tại buổi đối thoại, ông Bùi Hữu Huy Hoàng, Chủ tịch UBND P.13 (Q.3), đề xuất lãnh đạo TP.HCM xây dựng kho dữ liệu tập trung, dùng chung để có thể liên kết, quản lý khai thác cơ sở dữ liệu trong công tác quản lý nhà nước. Bởi thực tế triển khai Đề án 06 (phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số), dù chủ tịch UBND phường là trưởng ban nhưng chưa được phân quyền nên không được tiếp cận phần mềm, dẫn đến không thể nắm bắt, chỉ đạo một cách bao quát mà phải thông qua trưởng công an phường.

Nhiều lãnh đạo phường nêu nhiều bất cập của chuyển đổi số như máy vi tính cũ, đường truyền internet yếu, thiếu nhân sự giỏi chuyên môn… Về những bất cập này, Phó giám đốc Sở TT-TT Võ Thị Trung Trinh cho biết Chủ tịch UBND TP.HCM đã có những chỉ đạo giải quyết cụ thể.

Theo tiêu chuẩn tại Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phường thuộc quận có dân số 15.000 người. Tuy nhiên, hiện TP.HCM có 117/312 phường, xã, thị trấn dân số từ 30.000 người trở lên (hơn gấp 2 lần tiêu chuẩn), đặc biệt có 6 phường, xã trên 100.000 người, trong đó xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh) hơn 164.000 người. Dù vậy, số lượng cán bộ, công chức tại phường, xã trên 100.000 người cũng bằng phường, xã từ 30.000 người trở lên.

Về nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, bà Trinh nêu thực tế đang thiếu, từ cấp xã đến cấp huyện, cấp sở. Nhiều sở hiện chỉ có 1 - 3 nhân lực, trong đó có 1 người kiêm nhiệm là phó văn phòng, còn cấp xã không có nhân sự chuyên về công nghệ thông tin. Để giải quyết bài toán này, bà Trinh cho biết sắp tới, Sở TT-TT sẽ tổ chức đào tạo lực lượng chuyên trách chuyển đổi số, phối hợp Bộ TT-TT cung cấp tài liệu đào tạo thông qua nền tảng trực tuyến.

Ông Đỗ Hữu Cường, Chủ tịch UBND P.Đa Kao (Q.1), nêu thực tế cộng tác viên trật tự đô thị hiện công việc rất cực, nhất là đòi hỏi của quận trung tâm ngày càng cao, thu nhập hiện chỉ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Do tiếp xúc nhiều với người dân và doanh nghiệp nên nguy cơ tiêu cực, tham nhũng vặt là hiện hữu. Do đó, ông Cường kiến nghị cần có lộ trình điều chỉnh chế độ chính sách cho lực lượng này cũng như tăng thêm số lượng.

Một bất cập khác được ông Cường nêu ra là khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, phường không có khoản dự phòng nên điều hành rất khó khăn. Đơn cử như một người hoạt động không chuyên trách tại phường nghỉ việc, tiền trợ cấp chỉ mười mấy triệu đồng cũng phải xin quận.

Trao đổi lại, ông Phan Văn Mãi cho biết khó khăn này đã được nhận diện, bước đầu TP giao 16 quận gói điều hành 30 - 70 tỉ đồng mỗi quận nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Về lâu dài, trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017, TP.HCM đề xuất cho quận, phường là một cấp ngân sách để giúp các địa phương chủ động hơn trong điều hành, đầu tư xây dựng.

ĐỂ CÁN BỘ KHÔNG NÉ TRÁNH CÔNG VIỆC

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh chính quyền phường, xã, thị trấn là tuyến đầu trong việc triển khai các chủ trương, nhiệm vụ, và cũng là nơi sâu sát, lắng nghe đầu tiên các ý kiến của người dân, xử lý sớm những phát sinh làm tiền đề cho sự ổn định, phát triển - xã hội của TP.

Giải đáp về cơ chế bảo vệ cán bộ, ông Phan Văn Mãi cho biết UBND TP.HCM vừa qua đã có kế hoạch thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương, khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Nếu các phường, xã gặp vấn đề phát sinh mà chưa có luật hoặc luật chưa rõ thì báo cáo cấp ủy, ban thường vụ huyện ủy hoặc tập thể lãnh đạo để thực hiện, làm cơ sở bảo vệ cán bộ sau này. "Tinh thần sáng tạo của cán bộ TP.HCM luôn có. Bây giờ thấp điểm thì phải củng cố tinh thần, học cách làm để khơi dậy tinh thần sáng tạo, thúc đẩy sáng kiến từ cơ sở", ông Mãi nói.

Đối với công tác cán bộ, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết sẽ triển khai đề án tổng thể nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức với 5 nội dung: tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, thu nhập, nhà ở… để đội ngũ cán bộ, công chức thực sự tiêu biểu, đóng góp vào sự phát triển TP. Trong công tác đào tạo sẽ quan tâm đào tạo cán bộ cơ sở, đồng thời hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của 249 phường tại 16 quận khi thực hiện chính quyền đô thị.

Xem thêm: mth.473150410824032581-ax-gnouhp-hcit-uhc-aul-peit-mchpt/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“TP.HCM 'tiếp lửa' chủ tịch phường, xã”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools