Để hoàn tất việc đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM, thí sinh cần hoàn thành đầy đủ các yêu cầu. Trong đó, việc đăng ký xét tuyển và thay đổi nguyện vọng bằng phương thức xét tuyển đánh giá năng lực đến ngày 28-4.
Sau thời gian trên, thí sinh không thể thay đổi, chỉnh sửa nguyện vọng và không có đợt đăng ký bổ sung.
Chỉ bằng 15-20% năm trước
Tính đến ngày 26-4, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận được hơn 13.000 nguyện vọng đã xác nhận, là đơn vị có lượng nguyện vọng được thí sinh đăng ký nhiều nhất.
Hai trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM khác có lượng nguyện vọng đã xác nhận trên 10.000 là Trường đại học Công nghệ thông tin và Trường đại học Khoa học tự nhiên.
Còn lại số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đã được thí sinh xác nhận đều rất thấp, nhiều trường chỉ có vài trăm nguyện vọng. Hầu hết các trường đều cho biết số nguyện vọng nhận được hiện mới chỉ bằng khoảng 15-25% so với năm 2022.
Điều đáng nói, số thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM năm nay đông nhất từ trước đến nay (chỉ riêng đợt 1 của kỳ thi đã có hơn 88.000 thí sinh tham dự) và số chỉ tiêu xét tuyển dành cho phương thức này cũng tăng ở phần lớn các trường.
Dù là trường có số nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực nhiều nhất, nhưng theo ThS Cù Xuân Tiến - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật, đến nay số nguyện vọng đã xác nhận chỉ đạt gần 30% so với năm ngoái.
"Năm nay, nhà trường dành tối đa 50% trong số 2.400 tổng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. Việc số nguyện vọng đăng ký xét tuyển ở phương thức này năm nay giảm mạnh khiến chúng tôi thật sự bất ngờ" - ông Tiến nói.
TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - cũng cho hay: "Mùa tuyển sinh năm 2022, trường nhận được hơn 14.000 nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển ở phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực.
Tuy nhiên, số nguyện vọng đã được xác nhận đăng ký xét tuyển vào trường tính đến chiều 26-4 mới được khoảng 3.500. Năm nay trường tham gia hệ thống đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM nên việc xét tuyển thực hiện theo thời gian quy định chung của hệ thống.
Đây là một trong các phương thức xét tuyển sớm, nếu thí sinh không đăng ký xét tuyển thì sẽ không được xét tuyển sớm và không có dữ liệu khi xét trên cổng chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dẫn đến mất cơ hội trúng tuyển ở phương thức này".
Còn tại Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường - cho biết năm nay trường cũng tham gia hệ thống đăng ký xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM và hiện mới có hơn 2.000 nguyện vọng được xác nhận, trong khi năm ngoái con số này là hơn 8.500.
Đáng chú ý, không chỉ ở phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, số đăng ký xét tuyển các phương thức xét tuyển sớm ở trường này cũng giảm mạnh: xét học bạ THPT chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái (hiện có khoảng 2.200 hồ sơ) và xét tuyển thẳng theo đề án của trường cũng ít (khoảng 250 hồ sơ).
Có thể thí sinh chưa nắm rõ thông tin
Theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển cùng lúc với đăng ký dự thi kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2. Những thí sinh chưa đăng ký thi đợt 1 hoặc vắng thi đợt 1 thì phải đăng ký dự thi đợt 2 mới có thể đăng ký xét tuyển.
Thí sinh cần kiểm tra kỹ các thông tin thanh toán trước khi thực hiện thanh toán. Để hồ sơ được xem là hợp lệ, thí sinh cần làm đầy đủ các bước theo hướng dẫn và việc xác nhận "Đã thanh toán" trên trang thông tin điện tử cần được hoàn tất trước ngày 29-4.
Nếu thí sinh không cập nhật hình ảnh Phiếu đăng ký xét tuyển (đã ký tên) lên hệ thống thì xem như hồ sơ không hợp lệ và không đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào các đơn vị có xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của Đại học Quốc gia TP.HCM.
"Như vậy, thí sinh phải thực hiện đúng các quy định mới đăng ký xét tuyển thành công. Các nguyện vọng xác nhận là đã đăng ký thành công. Đến nay, tỉ lệ nguyện vọng xác nhận/nguyện vọng đăng ký của trường hơn 90%, có nghĩa là số thí sinh chưa đăng ký xét tuyển là rất lớn", ông Tiến nói.
Theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), số nguyện vọng đăng ký đã được xác nhận của trường là hơn 7.200 (chỉ bằng khoảng 21% so với năm 2022).
"Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định năm nay tất cả nguyện vọng vào các ngành, các trường, tất cả các phương thức đều phải đăng ký lại trên hệ thống của bộ. Các trường sẽ phải tự xác định tất cả các tổ hợp môn có thể có của thí sinh để xét tuyển.
Với các phương thức xét tuyển sớm (đánh giá năng lực, xét học bạ...) các trường phải cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm lên hệ thống. Có thể do thí sinh chưa nắm rõ thông tin trên nên chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển đánh giá năng lực" - ông Hạ nhận định.
Tương tự, ông Phạm Thái Sơn cũng cho rằng có thể các thông tin lan truyền trên mạng bị sai lệch, nhiều thí sinh đang hiểu nhầm là "thí sinh không cần chọn phương thức xét tuyển mà các trường sẽ phải tự xét tất cả các phương thức mà thí sinh đủ điều kiện".
"Do vậy nhiều thí sinh nghĩ không cần phải đăng ký xét tuyển sớm tại trường mà chỉ cần đăng ký trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 7-2023 là đủ. Nếu thí sinh nghĩ chỉ cần có điểm thi đánh giá năng lực và không đăng ký xét tuyển theo quy định coi như mất cơ hội trúng tuyển sớm", ông Sơn nói.
Đề nghị gia hạn đăng ký xét tuyển
Trước thực tế trên, các trường cho biết đang đề nghị Đại học Quốc gia TP.HCM tiếp tục gia hạn, cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực đến tháng 6-2023.
Ngày 26-4, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết nói đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay có nhiều câu hỏi trùng lặp giữa các đợt, thiếu công bằng với các thí sinh...
Xem thêm: mth.75103823272403202-cul-gnan-aig-hnad-neyut-tex-os-gnouht-tab/nv.ertiout