Cú sốc của Washington
Sự nổi lên của Trung Đông, với vai trò như một khu vực quan trọng mới trong cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn khi Bắc Kinh xen vào mối bất hòa đang ngày càng lớn giữa Washington và Ả Rập Saudi.
Trung Quốc đã đặt dấu ấn của mình lên khu vực này theo cái cách mà 6 tháng trước khó ai có thể đoán được. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc nước này đảm nhận vai trò trung gian giúp nối lại quan hệ hữu nghị giữa hai đối thủ lâu năm trong khu vực là Ả Rập Saudi và Iran.
Về mặt tài chính, trong tuần trước, ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á có trụ sở chính tại Bắc Kinh đã khai trương văn phòng đầu tiên tại Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Trung tâm này sẽ “đóng vai trò là một điểm đến chiến lược” hỗ trợ chương trình nghị sự của AIIB – một ngân hàng phát triển đa phương được hình thành cách đây gần 1 thập kỷ.
Động thái này diễn ra sau khi Washington vừa trải qua cú sốc vì Ả Rập Saudi và các thành viên OPEC+ không chỉ từ chối yêu cầu tăng cường sản lượng dầu của Mỹ, mà còn quyết định cắt giảm sản lượng ngay đầu tháng này.
Theo tờ Bloomberg, Trung Đông nói chung, và Ả Rập Saudi nói riêng, đang nhanh chóng rời khỏi quỹ đạo của Washington để ủng hộ Bắc Kinh
Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái cố định của Trung Đông đối với đồng đô la Mỹ vẫn là một liên kết mạnh mẽ. Ngoài ra, nhiều nước trong khu vực này vẫn có mối quan hệ bền chặt và lâu dài với Washington trên một số lĩnh vực khác. Do đó, đối với chính phủ Mỹ, họ vẫn chưa mất tất cả.
Đó cũng là lý do tại sao các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh sử dụng đồng đô la làm đơn vị tiền tệ chính trong các giao dịch xuyên biên giới. Một sự thay đổi đột ngột sẽ gây mất ổn định về kinh tế cho chính các quốc gia này, do đó, bất cứ chuyển đổi nào cũng phải diễn ra từ từ.
Cảnh báo đỏ
Nói là vậy nhưng các dấu hiệu chuyển đổi đã bắt đầu được ghi nhận. Chỉ trong tháng trước, UAE đã tiến hành thỏa thuận đầu tiên về xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc, giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ.
Trước đó, Trung Quốc đã đạt thỏa thuận mang tính bước ngoặt trị giá 60 tỷ USD vào tháng 11 năm ngoái để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Qatar. Thỏa thuận này sẽ kéo dài tới những năm 2050.
Justin Dargin, một chuyên gia về Trung Đông tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (CEIP) nhận định: “Các công ty năng lượng nhà nước của Trung Quốc trước đây không có chuyên môn để cạnh tranh bình đẳng với công ty năng lượng phương Tây. Thế nhưng, hợp đồng này đã nêu bật tình hình đang thay đổi nhanh chóng tới mức nào”.
Xu hướng thay đổi cách tiếp cận đối với tiền tệ cũng rõ rệt ở Ả Rập Saudi – quốc gia từng nhà là cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc, trước khi bị Nga thay thế vị trí vào đầu năm nay.
Riyadh đã điện báo cho Bắc Kinh hồi tháng 1 rằng, họ sẵn sàng thảo luận việc giao dịch bằng các loại tiền tệ khác nhau ngoài đồng đô la – đơn vị tiền tệ đang được sử dụng để thanh toán hơn 80% trong tổng giá trị 326 tỷ USD xuất khẩu dầu hàng năm của Ả Rập Saudi.
Ngoài việc trở thành khách hàng chính của Trung Đông, Trung Quốc cũng đang được nhiều nước khác tìm đến vì các khoản đầu tư. Trong tuần trước, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến của UAE, Sultan Ahmed Al Jaber, đã có mặt tại Bắc Kinh để tìm cách thúc đẩy hợp tác năng lượng sạch.
Chuyến công du của ông Al Jaber diễn ra sau khi Trung Quốc và Ả Rập Saudi ký kết một số thỏa thuận về hợp tác tái tạo và nghiên cứu hydro xanh trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới quốc gia Trung Đông này vào tháng 12 năm ngoái.
Các nhà phân tích tại Trivium China, một công ty tư vấn nghiên cứu chính sách ở Bắc Kinh nhận định, thỏa thuận xanh cho phép các công ty công nghệ sạch Trung Quốc “mở rộng sang các thị trường nước ngoài béo bở và tăng cường quan hệ kinh tế - ngoại giao với các quốc gia vùng Vịnh lớn”.