Chính phủ vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ đã nhận được 335 kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyển đến. Trên cơ sở tổng hợp rà soát còn 273 kiến nghị. Đến nay, các bộ đã giải quyết được 21/288 kiến nghị, đang trả lời 17/288 kiến nghị và cung cấp thông tin với 250/288 kiến nghị.
Cần chính sách trợ lực doanh nghiệp, giảm phiền hà thủ tục hành chính
Các kiến nghị tập trung đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, vấn đề việc làm. Tình trạng “cò” xuất hiện trên nhiều lĩnh vực, làm thủ tục hành chính phải thông qua cò mới được giải quyết nhanh chóng, nên kiến nghị Chính phủ chỉ đạo.
Về y tế, giáo dục và đào tạo, cử tri kiến nghị xây dựng chính sách lương cho cán bộ y tế; Chính phủ sớm thông qua đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về miễn học phí cho học sinh các cấp học năm học 2022 - 2023 và lùi lộ trình tăng học phí...
Trả lời các nội dung về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ cho hay đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo nghị quyết một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2025.
Trong đó tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp. Cởi trói, giải phóng tiềm lực của các doanh nghiệp khu vực tư nhân. Đổi mới các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp hơn.
Liên quan đến việc xử lý kiến nghị của cử tri liên quan đến các thủ tục hành chính, Chính phủ cho biết đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi. Tập trung cắt giảm những quy định, thủ tục không cần thiết.
Đặc biệt, sẽ tăng cường xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có các hành vi chậm trễ, nhũng nhiễu, gây khó khăn hoặc yêu cầu chi phí ngoài quy định.
Tham nhũng trong đại án Việt Á, quyền lợi người dân thế nào?
Một trong những kiến nghị đáng chú ý, liên quan đến xử lý kỷ luật đảng viên khi thực hiện kê khai tài sản không đầy đủ, không trung thực nhưng hiện chưa có quy định xử lý. Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu sớm ban hành quy định cho kịp thời.
Thêm nữa, cử tri cho rằng vấn đề tham nhũng trong đại án kit xét nghiệm Việt Á chưa được giải quyết thỏa đáng. Mặc dù những ai vi phạm đã và đang được xử lý, nhưng quyền lợi của người dân thì chưa được đề cập.
Trả lời việc thực hiện kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề trên, Chính phủ cho rằng thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt.
Theo đó, các văn bản về công tác này đang được hoàn thiện. Như việc bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; cơ chế kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng...
Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, cơ quan rà soát, xác định rõ những cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn thiếu chặt chẽ, sở hở, dễ bị lợi dụng, dễ nảy sinh tham nhũng. Đặc biệt liên quan lĩnh vực nhiều sai phạm, tham nhũng lớn như đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý vốn và tài sản nhà nước trong doanh nghiệp... để có giải pháp khắc phục.
Ngoài ra là việc khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ, tăng cường quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn. Gắn với việc đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng. Ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách pháp luật....
Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM thống nhất đưa vụ án 'vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng', 'đưa hối lộ', 'nhận hối lộ' xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo.