Thông tin này được ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM cho biết tại hội nghị sơ kết Chỉ thị số 17/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và phát động thi đua dự án Vành đai 3, được tổ chức vào sáng 28.4.
Toàn tuyến Vành đai 3 dài hơn 76 km, đi qua địa bàn 4 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Trong đó, đoạn qua TP.HCM dài nhất với 47,5 km, đi qua 4 địa bàn: TP.Thủ Đức, H.Củ Chi, H.Hóc Môn và H.Bình Chánh.
Thống kê của Sở TN-MT TP.HCM, dự án ảnh hưởng đến 1.738 hộ dân, trong đó có 395 hộ đủ điều kiện tái định cư và 240 trường hợp bị giải tỏa trắng không đủ điều kiện tái định cư.
Về cách thức thực hiện, ông Trực cho biết công tác bồi thường rất quan trọng và phải đẩy nhanh để bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng vào tháng 6.2023. Qua khảo sát, 90% diện tích dự án Vành đai 3 là đất nông nghiệp, nếu làm theo cách thông thường là bồi thường đất nông nghiệp và đất ở cùng một lúc thì tiến độ sẽ chậm.
Do vậy, Sở TN-MT đã xin ý kiến Bộ TN-MT thu hồi đất nông nghiệp trước và vận động người dân có đất ở chấp thuận cho thu hồi đất, nhận tiền bồi thường và nhận nền tái định cư mà không chờ hết thời hạn 180 ngày như quy định.
"Đây là cách làm mới, có thể tiết kiệm được 90 ngày so với kế hoạch đề ra", ông Trực nói và cho biết cách làm này giúp đạt mục tiêu bàn giao 70% diện tích trước ngày 30.6.
Về công tác tái định cư, ông Trực cho biết những hộ đủ điều kiện sẽ được tái định cư bằng nền đất, hộ không đủ điều kiện thí bố trí căn hộ chung cư. Những trường hợp quá khó khăn, không đủ tiền trả 1 lần khi mua căn hộ cũng sẽ được xem xét cho trả chậm, trả góp trong 15 năm.
Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM thông tin, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 ước tính hơn 18.900 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 (từ nay đến trước ngày 30.6) phải giải ngân khoảng 8.800 tỉ đồng.
Đánh giá khoản tiền giải ngân trong 2 tháng tới là rất lớn, ông Trực đề nghị các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia công tác bồi thường đẩy nhanh công tác chi trả tiền bồi thường.
Dự kiến từ tháng 8.2023, công tác bồi thường bắt đầu đối với các trường hợp đất ở và đất nông nghiệp chưa đồng thuận, phấn đấu giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 15.11.
Theo hệ số điều chỉnh giá đất bồi thường dự án Vành đai 3 TP.HCM vừa được ban hành, giá đất cao nhất tại TP.Thủ Đức là đường Nguyễn Duy Trinh, hơn 73 triệu đồng/m2. Đối với H.Bình Chánh, giá đất ở cao nhất là tuyến đường Trần Văn Giàu, khoảng 42,7 triệu đồng/m2.
Đối với H.Củ Chi, giá đất ở cao nhất thuộc về đường Hà Duy Phiên, hơn 19,5 triệu đồng/m2. Còn ở H.Hóc Môn, giá cao nhất là đường Nguyễn Văn Bứa, khoảng 35,6 triệu đồng/m2.