Năm 2022 có thể nói là một năm kinh doanh có phần ngược của Công ty CP Tập đoàn Fecon (HoSE: FCN). Trong khi phần lớn các doanh nghiệp xây dựng khác tăng tốc vào đầu năm, liên tục ghi nhận kết quả ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận thì Fecon lại “lạc dòng” khi chịu lỗ ngay quý đầu tiên, và kết thúc quý III mới chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn hơn 700 triệu đồng.
Tuy vậy, sang đến quý IV, gió đã đổi chiều. Quý này, khi nhiều ông lớn xây dựng bất ngờ lỗ nặng, thổi bay thành quả của ba quý trước đó thì Fecon lại bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế 49 tỷ đồng - cao nhất theo quý trong 2 năm qua. Quý IV đã cứu cánh cho Fecon đem về khoản lợi nhuận ròng cả năm 52 tỷ đồng.
Điều đáng nói, khoản lợi nhuận cao đột biến của quý IV không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà đến từ việc thoái vốn dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Những ngày cuối cùng của năm 2022, Fecon kịp đã chốt thương vụ này cho một đối tác ngoại, giúp doanh thu tài chính đột khởi lên 123 tỷ đồng, đủ sức trang trải cho các loại chi phí tăng cao. Có thể nói, việc bán Vĩnh Hảo 6 đã giúp Fecon thoát khỏi cảnh thua lỗ ở những phút bù giờ.
Còn nhớ, năm ngoái, Chủ tịch HĐQT Fecon, ông Phạm Việt Khoa từng chia sẻ về kế hoạch bán hai dự án năng lượng là Vĩnh Hảo 6 và Quốc Vinh Sóc Trăng. Tuy nhiên, năm 2022, Fecon chỉ kịp thoái vốn tại Vĩnh Hảo 6. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi năm nay, Fecon tiếp tục đặt mục tiêu thoái vốn tại Quốc Vinh Sóc Trăng.
Tại ĐHĐCĐ năm 2023, Chủ tịch Phạm Việt Khoa hé lộ rằng Fecon đã tìm được người mua cho dự án này. “Nếu thuận lợi thì quý III, còn chậm nhất là quý IV/2023, Fecon sẽ đóng được thỏa thuận với người mua”, ông Khoa khẳng định.
Như vậy, có thể nói nhiều khả năng dự án Quốc Vinh Sóc Trăng sẽ tiếp tục đóng vai “người hùng” như Vĩnh Hảo 6 trong năm 2023. Bởi, trong khi thị trường xây dựng vẫn còn chìm trong khó khăn và chưa thấy lối ra, Fecon vẫn trình kế hoạch kinh doanh tăng trưởng tốt: doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng; lần lượt tăng trưởng 25% và 140%. Thêm vào đó, Chủ tịch Fecon nhấn mạnh rằng hầu như lợi nhuận có được hay không phụ thuộc vào việc tiết kiệm chi phí tài chính, mà dự kiến năm nay chi phí này tương đương hoặc có thể hơn năm ngoái (năm 2022, chi phí tài chính của Fecon khoảng 222 tỷ đồng).
Giữa áp lực vô cùng lớn như thế, khả năng Quốc Vinh Sóc Trăng tiếp tục sẽ là cứu cánh cho kế hoạch lợi nhuận năm nay của Fecon.
Dĩ nhiên, kế hoạch bán Quốc Vinh Sóc Trăng đã được toan tính từ lâu, nên việc ghi nhận lợi nhuận chỉ là câu chuyện “một sớm một chiều”.
Năm nay, ngoài việc bán dự án, Fecon còn đưa ra những hoạch định khá kỹ lưỡng, mang tính thực tế để hiện thực mục tiêu kinh doanh, phản ánh sự tự tin của nhà thầu này trong bối cảnh khó khăn.
Cụ thể, với hoạt động kinh doanh cốt lõi là xây dựng, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thanh cho biết giá trị backlog 2022 chuyển tiếp sang 2023 là 2.500 tỷ đồng, từ đây Fecon ước tính gặt hái được 1.800 tỷ đồng doanh thu. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 tới nay, Fecon đã ký mới được khoảng 700 tỷ đồng. Dự kiến cả năm, Fecon sẽ ký mới được khoảng 6.000 tỷ đồng. Đó đều là những con số khá ấn tượng.
Một cơ sở khác cho mục tiêu lợi nhuận lớn của Fecon là công ty đã trở thành chủ đầu tư cụm công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái tại Bắc Giang có quy mô 75ha, tổng mức đầu tư 945 tỷ đồng và khu đô thị Nam Thái tại Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 2.250 tỷ đồng. Mặc dù theo hoạch định, các dự án này gần như sẽ chỉ ghi nhận doanh thu vào năm 2024, tuy nhiên theo Chủ tịch Phạm Việt Khoa, dự án khu đô thị Nam Thái đang rất có triển vọng mang lại tiền tươi ngay năm nay, bởi Fecon đang mời nhà đầu tư Pháp tham gia. Nếu việc mời gọi này thành công, Fecon sẽ ngay lập tức có doanh thu, nhờ việc chia sẻ quyền sử dụng đất.
Những kế hoạch rõ ràng này khiến Fecon khá tự tin vào lợi nhuận và dòng tiền năm nay và quyết định chia cổ tức 5%, tương đương chi ra khoảng 78,7 tỷ đồng. Điều này trở nên đặc biệt trong bối cảnh cơn khát tiền đang “hành hạ” cả thị trường bất động sản – xây dựng. Hiện tại, ngay cả những “đại gia” xây dựng hàng đầu cũng chỉ dám chia ESOP.
Về vấn đề trái phiếu, Fecon hiện có dư nợ khoảng 112 tỷ đồng, đều đáo hạn trong năm 2023. Theo bà Nguyễn Thị Nghiên, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc tài chính, các biến động của thị trường trái phiếu không tạo ra ảnh hưởng xấu tới Fecon, bởi khoản vay trái phiếu đang phục vụ cho hoạt động sản xuất và các điều khoản mua lại mang tính định kỳ, do đó phù hợp với dòng tiền kinh doanh của công ty.
Điều khiến lãnh đạo Fecon lo lắng hơn cả có lẽ là chi phí tài chính. Năm qua, chi phí tài chính rất lớn đã bào mòn đáng kể lợi nhuận của công ty. Dự kiến năm nay, chi phí tài chính vẫn là một vấn đề không dễ giải quyết.
Tuy vậy, lãnh đạo Fecon cho biết đang cố gắng tìm kiếm những nguồn tài chính tốt hơn nhằm thay thế cho những khoản vay có lãi suất cao, đơn cử như việc thông qua đối tác chiến lược Corio Generation để có được vốn vay từ phía Nhật Bản.
Trước câu hỏi có tham gia vào các dự án đầu tư công, ban lãnh đạo Fecon cho biết trước bối cảnh còn nhiều biến số khó lường, doanh nghiệp cần thận trọng và tính toán kỹ khi tham gia vào mảng này. Chủ tịch Phạm Việt Khoa cho biết mặc dù lĩnh vực này có những công việc sở trường của Fecon nhưng có nhiều dự án vẫn áp dụng định mức đơn giá của giai đoạn trước, khi tính toán cụ thể về lợi nhuận và dòng tiền thì không đủ chi phí.
Xem thêm: lmth.12291000042210202--nocef-auc-3202-man-nauhn-iol-hcaoh-ek/nv.semitaer