Không nằm ngoài dự báo của giới phân tích, thị trường có tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài khá yên ả. Cùng chỉ số VN-Index biến động nhẹ quanh vùng giá 1.040 điểm, dòng tiền túc tắc tham gia qua các phiên giao dịch giúp thị trường có chút bớt ảm đảm bởi một vài con sóng nhỏ đơn lẻ xảy ra chỉ trong “chớp nhoáng”.
Cũng như những phiên giao dịch tăng giảm xen kẽ trước đó, thị trường bước vào phiên sáng 28/4 đã nhanh chóng lấy lại sắc xanh và hồi phục lại mốc 1.040 điểm nhờ sự lan tỏa của dòng tiền đến hầu hết các nhóm ngành.
Bước sang phiên chiều, sau khoảng hơn 30 phút giao dịch lình xình đi ngang, chỉ số VN-Index đã từng bước nhích nhẹ và giao dịch quanh vùng đỉnh của phiên sáng – tại 1.045 điểm.
Bất ngờ đã xảy ra trong đợt khớp lệnh ATC, khi lực cầu gia tăng mạnh đã kéo nhiều cổ phiếu lên vùng giá cao nhất ngày, đồng thời, chỉ số VN-Index cũng tăng vọt lên sát ngưỡng 1.050 điểm với thanh khoản sôi động, vượt mức 10.000 tỷ đồng.
Chốt phiên, sàn HOSE có 250 mã tăng và 126 mã giảm, VN-Index tăng 9,49 điểm (+0,91%) lên 1.049,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 613,14 triệu đơn vị, giá trị 10.282,76 tỷ đồng, tăng 19,82% về khối lượng và 18,34% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 41,45 triệu đơn vị, giá trị 1.024,98 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường chính là bất động sản. Bên cạnh sự dẫn dắt của cặp đôi lớn VHM và VIC đều đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày với mức tăng tương ứng 4,2% và 3,2%, hàng loạt cổ phiếu vừa và nhỏ trong ngành đã đua nhau nổi sóng.
Điển hình là cổ phiếu DIG đã kéo trần thành công và đóng cửa tại mức giá 18.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 34 triệu đơn vị, là mức thanh khoản cao nhất trong khoảng nửa tháng qua.
Ngoài ra, NLG tăng sát trần với biên độ tăng 6,7%; các mã LHG, DXS, KHG đều tăng trên 5-6%, KBC tăng 3,6%, DXG, PDR đều tăng hơn 2%... Trong đó, DXG khớp hơn 21 triệu đơn vị, PDR khớp xấp xỉ 19 triệu đơn vị, KHG khớp hơn 12 triệu đơn vị…
Đứng ở vị trí thứ 2 trên thị trường là nhóm cổ phiếu chứng khoán khi nhiều mã cũng nới rộng đà tăng và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày như SSI tăng 1,9% lên 21.550 đồng/CP, VND tăng 2,4% lên 14.900 đồng/CP, VCI tăng 3,1% lên 31.800 đồng/CP, HCM tăng 1,8% lên 24.950 đồng/CP, FTS tăng 4,1% lên 28.000 đồng/CP…
Nhóm trụ cột ngân hàng chỉ nhích nhẹ bởi sự cản trở của BID, TCB, HDB, EIB khi có mức giảm trên dưới 1%, OCB giảm 2,5%; ngược lại, SSB đang tăng tốt nhất ngành với biên độ tăng 4,41%, tiếp theo là TPB tăng 3,25%, VPB tăng 2,48%, CTG tăng 1,76%, SHB tăng 1,36%... Cổ phiếu lớn VCB chỉ tăng nhẹ 0,56%.
Ở chiều ngược lại, chỉ còn một vài nhóm ngành chưa thoát khỏi trạng thái điều chỉnh dù mức giảm không quá lớn như công nghệ thông tin; dịch vụ lưu trú, ăn uống và giải trí; nông lâm ngư nghiệp, bảo hiểm và khai khoáng.
Trong bối cảnh chung khá tích cực, cặp đôi cổ phiếu của bầu Đức cũng bớt tiêu cực hơn sau những chia sẻ thông tin tại ĐHCĐ thường niên của Hoàng Anh Gia Lai sáng nay. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Võ Trường Sơn cho biết, HNG chỉ có kế hoạch lỗ năm nay nhưng trong dài hạn sẽ phục hồi trở lại và khi doanh nghiệp phát triển thì giá trị góp vốn của HNG vẫn còn ở đó chứ không mất.
Đóng cửa, cổ phiếu HAG đã đảo chiều thành công với mức tăng 1,6% lên sát mức giá cao nhất trong ngày 7.620 đồng/CP và thanh khoản đạt 16,98 triệu đơn vị; trong khi đó, HNG có thời điểm thoát nằm sàn nhờ lực cầu gia tăng mạnh nhưng kết phiên vẫn đứng tại mức giá sàn 3.720 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 28,87 triệu đơn vị và dư bán sàn chỉ còn 82.700 đơn vị.
Trên sàn HNX, lực cầu cải thiện cũng giúp thị trường nới rộng đà tăng điểm.
Chốt phiên, sàn HNX có 102 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index tăng 1,62 điểm (+0,79%), lên 207,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 71,35 triệu đơn vị, giá trị gần 1.061 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 3,58 triệu đơn vị, giá trị 77,8 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán cũng là điểm sáng trên sàn HNX.
Trong nhóm chứng khoán, cổ phiếu SHS đã hồi phục sắc xanh và đóng cửa tăng 2% lên 10.100 đồng/CP với thanh khoản vọt tăng, đạt 14,96 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường. Ngoài ra, APS tăng 3,9%, MBS tăng 1,2%, EVS tăng 4,3%, PSI tăng 2,9%, BVS tăng 1,1%...
Ở nhóm bất động sản, DTD vẫn tăng kịch trần, CEO nới rộng biên độ khi đóng cửa tăng 3,7%, IDJ tăng 8,1%, NRC tăng 2,2%, TIG tăng 4,9%, API tăng 5%, IDC tăng 1,3%... Trong đó, CEO và IDJ giao dịch sôi động, chỉ thua SHS với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 10,84 triệu đơn vị và 7,69 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường vẫn lình xình tăng.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,35 điểm (+0,45%) lên 77,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33 triệu đơn vị, giá trị 356 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,98 triệu đơn vị, giá trị 34,57 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhỏ PVX vẫn giữ vững mức giá trần 2.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 2 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,3 triệu đơn vị. Trong khi đó, PVL đóng cửa giảm 4,5% xuống 2.100 đồng/CP và khớp 2,32 triệu đơn vị.
Cổ phiếu sôi động nhất UPCoM là C4G khớp hơn 3 triệu đơn vị, giao dịch khá rung lắc và đóng cửa đứng tại mốc tham chiếu. Tiếp theo là BSR khớp hơn 2,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,3% lên mức cao nhất ngày 16.100 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, với VN30F2305 tăng 7,5 điểm, tương đương +0,7% lên 1.042,5 điểm, khớp lệnh hơn 166.210 đơn vị, khối lượng mở 49.080 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, trong đó CVHM2216 dẫn đầu thanh khoản với hơn 0,67 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 11,1% lên 200 đồng/cq.
Tiếp theo là CMWG khớp 0,46 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 10,6% lên 520 đồng/cq.