Nhận định trên được Chủ tịch Phan Văn Mãi nêu tại phiên họp kinh tế xã hội tháng 4 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 5.2023 của UBND TP.HCM diễn ra chiều 28.4, trong bối cảnh nhiều tín hiệu tích cực sau những nỗ lực của các sở, ngành và hỗ trợ từ Trung ương.
Đơn cử như ở lĩnh vực bất động sản, gần 9.000 căn hộ với tổng số vốn gần 1 tỉ USD đủ điều kiện mở bán, đưa sản phẩm ra thị trường. Các dự án khác đang tiếp tục tháo gỡ, hoặc kiến nghị Trung ương giải quyết theo thẩm quyền.
Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 170.000 tỉ đồng, tương đương 36,2% dự toán năm. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt hơn 3,2 triệu tỉ đồng, tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương đánh giá sau 1 quý khó khăn thì những tín hiệu tích cực đã đến trong tháng 4.2023. Các kiến nghị của thành phố được Trung ương quan tâm tháo gỡ, doanh nghiệp dễ tìm nguồn vốn, thị trường trong nước được ưu tiên xúc tiến giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, lĩnh vực bán lẻ gia tăng 9%.
Còn Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết ngành du lịch đang phục hồi tốt, phân khúc khách nội địa tăng cao so với cùng kỳ, thị trường quốc tế đang được xúc tiến với các hãng hàng không.
Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết có 7.400 hồ sơ mua bán đất đai trên địa bàn trong tháng 4.2023, tăng 26% so với tháng 3, thu thuế 1.200 tỉ đồng. Dự báo trong tháng 5 và các tháng còn lại sẽ tiếp tục đà tăng trưởng để sớm vực dậy nền kinh tế.
Dù có nhiều điểm tích cực nhưng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do ràng buộc về quy định phòng cháy chữa cháy cũng như đăng kiểm ảnh hưởng đến ngành logictics.
Khẩn trương gỡ vướng đăng kiểm, phòng cháy chữa cháy
Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận câu chuyện đăng kiểm ngày càng nóng, không chỉ liên quan đến chủ phương tiện mà ảnh hưởng cả kinh tế. Do vậy, không thể ngồi hằng tháng, thậm chí cả năm để chờ giải quyết vấn đề này, và thay vào đó, thành phố xin thí điểm, kiến nghị cơ quan chức năng để tháo gỡ.
Tương tự, các bất cập về điều kiện phòng cháy chữa cháy đã được ngành công an tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. "Hàng ngàn tỉ đổ vào tài sản nhưng không đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ gây lãng phí rất lớn", ông Mãi nói, và đề nghị tập trung phối hợp để tiếp tục tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Liên quan đến phát triển du lịch, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá sông Sài Gòn đoạn bến Bạch Đằng có hiện trạng khá tốt để khai thác dịch vụ. "Làm sao để đến tháng 6.2023 có thể khai thác vài chục tàu nhà hàng, nhất là vào ban đêm để làm cho kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè, kinh tế sông sinh động lên", ông Mãi giao nhiệm vụ cho Sở Du lịch.
Đối với một số công việc cụ thể, người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu phối hợp nhà đầu tư dự án chống ngập do triều gần 10.000 tỉ đồng để khởi động trong tháng 5 và hoàn thành vào cuối năm 2023.
Dự kiến trong tháng 5.2023, UBND TP.HCM sẽ xin chủ trương Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, sau đó trình Thủ tướng.
Hiện nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 đang được các ủy ban của Quốc hội thẩm định để xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 5.2023. Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM sẽ trình HĐND TP.HCM vào tháng 7, kỳ họp chuyên đề tháng 9 (nếu có) và kỳ họp cuối năm để thể chế hóa một số cơ chế vượt trội, có thể gỡ vướng cho nhiều dự án theo hình thức đối tác công tư hoặc phát triển đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng).
Ngoài phát triển kinh tế, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng lưu ý các sở ngành phải quan tâm đảm bảo an sinh, an ninh trật tư, phòng chống dịch trong kỳ nghỉ lễ kéo dài, không chủ quan nhưng cũng không hoang mang.