Từ những tài liệu, chứng cứ thu thập được, xác định đường dây mua bán người do đối tượng Phạm Xuân Thanh làm chủ mưu; cần nhanh chóng bóc gỡ đường dây tội phạm này, đưa các đối tượng có liên quan ra xử lý nghiêm trước pháp luật; Phòng CSHS Công an Lâm Đồng lập chuyên án đấu tranh, phá án, do Thượng tá Đặng Văn Kiên - Trưởng phòng CSHS làm Trưởng ban, Thượng tá Hồ Hải Dương làm Phó ban Thường trực Ban Chuyên án. Vụ án quy tụ nhiều trinh sát dày dặn kinh nghiệm, nghiệp vụ tham gia.
Để từng bước lần tìm ra các bị hại và thu thập những thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến các nghi phạm Phạm Xuân Thanh, Đới Quang Lưu; các trinh sát Phòng CSHS Công an Lâm Đồng đã trở đi trở lại nhiều lần 5, 6 tỉnh, thành: TPHCM, Hà Nội, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Phú Quốc... Các anh không quản ngại khó khăn, vất vả, tập trung, quyết tâm triệt phá đường dây tội phạm nghiệm trọng này.
Quá trình di chuyển từ tỉnh Lâm Đồng đi Campuchia; qua lời của Lưu, Quang, Thanh; 4 thanh niên Ka Sã Ha Tiến, Kơ Sã Ha Nhiêm, Bàn Văn Tâm và Nguyễn Drong Hưng (đều là người dân tộc thiểu số) nghĩ rằng sẽ đến casino ở Campuchia làm việc; qua Phạm Xuân Thanh, họ sẽ được bố trí nơi ăn ở, công việc "dễ chịu", nhận mức lương như đã thoả thuận.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi gặp Thanh và được Thanh đưa đến một công ty kín cổng cao tường, có bảo vệ canh chừng cẩn mật suốt ngày đêm, công việc "cày" ngày "cày" đêm trên máy tính để dụ dỗ, lừa đảo người khác, kiếm tiền về cho chủ, làm không được việc bị chửi mắng, đánh đập, họ rất bức xúc, lo sợ.
Vào các ngày 15,16/3/2022, Bàn Văn Tâm phát hiện Thanh bán họ cho công ty của người Trung Quốc nên lợi dụng lúc nửa đêm, gần sáng không có người theo dõi đã điện thoại báo cho Lưu và Quang biết sự việc, đồng thời điện thoại cho Thanh để hỏi rõ, nhưng Thanh nói có cổ phần trong công ty, vì vậy không có việc Thanh bán 4 người cho công ty.
Do Tâm không đánh máy tính được, nên ngày 25/3/2022 Tâm bị công ty Tam Thái Tử bán cho công ty khác (không rõ tên) tại Sihanouk - Campuchia với giá 3.000 USD. Sau đó lần lượt Nhiêm, Hưng cũng bị bán cho các công ty khác vào cuối tháng 3/2022.
Thời điểm này, thông qua Quang, Thanh kết bạn zalo với Lưu, nhờ Lưu tìm thêm người đưa qua Campuchia làm việc ở công ty của Thanh như đã nói với Quang trước đó. Thanh nói thêm với Lưu: “nếu tìm được người qua Campuchia, Thanh sẽ trả cho Lưu 5 triệu đồng/người". Nghe vậy, Lưu nảy lòng tham, đồng ý.
Lưu điện thoại cho một người tên Bắc (bạn của Lưu ở Quảng Xương - Thanh Hóa) nhờ tìm người sang Campuchia làm việc. Sau đó Bắc giới thiệu cho Lưu 4 người gồm: Nguyễn Xuân Hùng (SN 2002), Lường Sỹ Thảo (SN 2002), Phạm Văn Tư (SN 1998), cùng trú xã Quảng Hải, H.Quảng Xương và một người tên Huấn (chưa rõ thông tin, ở TP Sầm Sơn -Thanh Hóa).
Khoảng 3 ngày sau, Lưu nhắn tin zalo báo cho Thanh biết 4 người đã tập trung ở Đà Lạt và gửi giấy tờ của họ để Thanh nhờ làm hộ chiếu. Ngày 31/3/2022, Thanh chuyển khoản cho Lưu 2 triệu đồng chi phí ăn ở, đi lại cho 4 bị hại.
Đầu tháng 4/2022, Thanh đặt vé máy bay cho Hùng, Tư, Thảo từ Đà Lạt ra Hà Nội để làm hộ chiếu, còn Huấn từ TP.Đà Lạt xuống TPHCM làm hộ chiếu để sang Campuchia.
Ngày 8/4/2022, theo sự sắp xếp của Thanh; Hùng, Tư và Thảo ra Hà Nội làm passport và được 1 người tên Việt Anh đưa đến TPHCM rồi dùng hộ chiếu đi qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Tây Ninh sang Campuchia. Thanh lập tức bán họ cho công ty “Tam Thái Tử” như nhóm của Tâm trước đó.
Ngày 9/4/2022, Thanh chuyển khoản cho Lưu 26 triệu đồng, là tiền công giới thiệu 4 người của Lưu.
Trong những người mà Thanh bán cho công ty casino do người Trung Quốc quản lý hoặc làm chủ, có người bị cưỡng bức lao động, người bị đánh đập, chích điện... đã gọi điện cho Thanh để cứu giúp nhưng không được Thanh đáp ứng.
Khoảng giữa tháng 4/2022, do bị nhiều người phát hiện việc mình bán người lao động ở Campuchia, trong đó có những người do Quang, Lưu giới thiệu, Thanh đã cắt liên lạc với Lưu, Quang cùng số bị hại trên.
Mất nhiều ngày truy tìm, các trinh sát đã xác định được 3/4 bị hại ở Thanh Hoá bị Lưu, Thanh cấu kết lừa bán sang Campuchia.
Làm việc với Cơ quan điều tra, thời gian đầu, 2 bị hại không khai ra vai trò của đối tượng Lưu. Trước đó, Lưu đã gửi tiền đóng phạt cho các bị hại khi những người này bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi vượt biên trái phép (từ Campuchia về Việt Nam).
Điều Lưu lo lắng là sự "mất tích" bí ẩn của Phạm Văn Tư và Huấn, khi trong số các bị hại trở về, thông qua bạn bè, Lưu không tìm được 2 người này để "dỗ ngọt".
Trong khi đó, Công an đã tìm thấy Phạm Văn Tư... trong Trại tạm giam của Công an TP Thủ Đức. Do bị hại này sau khi trở về Việt Nam đã gây ra vụ "Trộm cắp tài sản" và bị Công an TP Thủ Đức bắt giam.
Còn người tên Huấn, cả Việt Anh và Thanh sau đó khai nhận đã đưa sang Campuchia, nhưng cho đến nay, chưa biết đã về lại Việt Nam chưa. Trinh sát đã nhiều lần xác minh, truy tìm nhưng chưa rõ tung tích.
Theo lãnh đạo Phòng CSHS Công an Lâm Đồng, đối tượng Đới Quang Lưu rất ma mãnh, thủ đoạn. Sau khi các bị hại vượt biên trở về, Lưu đã nhanh chóng tiếp cận, mua chuộc họ, thống nhất lời khai: Lưu không có hành vi bán họ sang Campuchia mà chỉ giúp họ đi xuất khẩu lao động theo nhu cầu. Thanh sau đó đã bán họ cho các công ty cưỡng bức người lao động. Do đó, một số bị hại không khai ra vai trò, hành vi của Lưu, trong khi Lưu đổ hết mọi tội cho Thanh. Việc này, gây không ít khó khăn cho Cơ quan điều tra vì không đủ chứng cứ để tạm giữ người, câu lưu, đấu tranh với đối tượng.
Đến khi các trinh sát Phòng CSHS tìm thấy Phạm Văn Tư đã tiến hành làm việc, lấy lời khai, Tư khai ra Lưu và đối tượng Việt Anh (thường trú Hà Nội). Việt Anh là đối tượng đã đưa 4 bị hại từ Hà Nội vào TPHCM, sau đó đưa đến cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh để đưa sang Campuchia.
Củng cố nhiều tài liệu, chứng cứ khác, Phòng CSHS Công an Lâm Đồng đã đấu tranh, làm rõ hành vi, vai trò của Đới Quang Lưu và bắt giữ đối tượng. Đồng thời, phối hợp với Công an Hà Nội điều tra, làm rõ hành vi của đối tượng Việt Anh. Hiện, đối tượng này đã bị Công an TP Hà Nội bắt giam.
Giăng lưới bắt kẻ cầm đầu
Thời điểm Cơ quan điều tra Công an Lâm Đồng xác định Phạm Xuân Thanh là kẻ chủ mưu vụ án, nhưng chưa thể bắt hắn vì lúc này hắn đang ở Campuchia, sau đó "lặn sâu".
Lúc 10h30 sáng 19/4, nguồn tin trinh sát xác định, đối tượng Thanh sẽ từ Phú Quốc về TPHCM trên chuyến bay lúc 18h 40, dự kiến khoảng 1 tiếng sau đó sẽ có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngay lập tức, nguồn tin quan trọng được báo cáo lãnh đạo Phòng CSHS và Ban Giám đốc Công an tỉnh. Qua điện thoại, lãnh đạo Cục CSHS phía Nam nhận hỗ trợ, triển khai lực lượng đón lõng đối tượng ở sân bay. Các trinh sát kỳ cựu được chỉ đạo phương án bắt giữ đối tượng.
Từ TP Đà Lạt, Trung tá Phạm Thảo - Phó Đội trưởng Đội 4; Thiếu tá Lê Trần Quang, Trung uý Đỗ Trường Khánh - trinh sát Đội 3 thay phiên nhau lái xe vượt hơn 300 km đến sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). Các trinh sát chỉ có tấm ảnh từ CMND của đối tượng và chưa một lần giáp mặt, nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ, sự nhạy cảm nghề nghiệp, các anh xác định được chính xác đối tượng, vị trí, chuyến bay và thực hiện lệnh bắt hắn ngay khi máy bay hạ cánh.
Bị bất ngờ, nhưng đối tượng vẫn bình tĩnh hỏi: "Tôi phạm tội gì mà các anh bắt"? Trung tá Thảo nói rõ họ tên, tội danh của hắn rồi cùng đồng đội giải hắn đi trong ánh mắt ngỡ ngàng của nhiều hành khách cùng chuyến bay với tên tội phạm nguy hiểm.
"Chúng tôi cố gắng để kịp có mặt khá sớm ở sân bay, bố trí bắt bằng được đối tượng, tránh trường hợp hắn phản ứng manh động gây náo loạn sân bay hoặc chậm trễ để hắn thoát lần này thì rất mất công truy bắt", Thiếu tá Lê Trần Quang chia sẻ.
Được biết, sau khi bán 8 lao động trên, tổng số tiền Thanh hưởng lợi gần 200 triệu đồng. Đới Văn Lưu được Thanh chuyển khoản, hưởng lợi gần 30 triệu đồng.
Theo đánh giá của Phòng CSHS Công an Lâm Đồng, bị hại của các đối tượng Phạm Xuân Thanh, Việt Anh không dừng ở đây mà còn nhiều người khác. Do đó, Công an tỉnh Lâm Đồng sẽ phối hợp với Cục CSHS, Công an TP Hà Nội tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Thấy gì qua vụ án?
Đây là chiến công xuất sắc của Phòng CSHS Công an Lâm Đồng, trong đó có vai trò trực tiếp tham gia tiến hành điều tra, làm rõ vụ án của các trinh sát - Điều tra viên Đội Phòng chống tệ nạn xã hội - Mua bán người và Đội hướng dẫn, điều tra tội phạm về TTXH; cùng đó là sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của các cấp lãnh đạo, chỉ huy trong Ban chuyên án với tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm cao, đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp.
Trước đó, ngày 8/8/2023, tại H.Đam Rông - Lâm Đồng, 5 người đồng bào dân tộc H'Mông bị lừa bán sang Campuchia đã may mắn chạy thoát về Việt Nam.
Qua những vụ án này, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân về thủ đoạn lừa đảo xuất cảnh lao động trái pháp luật. Những kẻ mua bán người, trục lợi vẽ ra viễn cảnh "việc nhẹ lương cao", nhưng thực chất sau đó, người lao động sẽ phải sống những chuỗi ngày khốn khổ cùng cực nơi đất khách quê người do bị cưỡng bức lao động. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, không để đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội, đánh cược mạng sống của mình.
Xem thêm: lmth.664641_na-ahp-hnirt-hnah-nan-naig-iouc-iab/na-uv/nv.moc.nagnoc