Ngày 26-4 vừa qua, Vatican công bố Giáo hoàng Francis đã chấp nhận cho phụ nữ được quyền bỏ phiếu tại Hội nghị Các giám mục thế giới sẽ diễn ra vào tháng 10 tới ở Rome.
Các nước trên thế giới sẽ cử ra các giám mục đại diện tham dự để cùng nhau góp ý với Giáo hoàng về những hoạt động quan trọng của giáo hội khắp nơi trên thế giới, liên quan đến đức tin, truyền thống và kỷ luật trong trong giáo hội.
Giáo hoàng từng bổ nhiệm 3 nữ tu vào Bộ Giám mục
Theo quyết định mới của Giáo hoàng đương nhiệm, hội nghị năm nay sẽ có tổng cộng 40 phụ nữ, bao gồm 5 nữ tu đại điện cho các dòng tu nữ và 35 phụ nữ khác được tuyển chọn từ khắp các nước, để đại diện cho các thành phần trong giáo hội và các dân tộc trên thế giới.
Quyết định này gia tăng thêm những cải tổ mang tính đột phá, chưa có tiền lệ liên quan đến vai trò và đóng góp của phụ nữ trong Giáo hội Công giáo.
Vào tháng 7-2022, Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm ba nữ tu làm thành viên của Bộ Giám mục. Bộ Giám mục chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá và lựa chọn các giám mục trên thế giới.
Lâu nay, các phong trào nữ quyền thường chỉ trích Vatican về vấn đề "giáo sĩ trị", nghĩa là chỉ có đàn ông mới được làm linh mục, giám mục, hồng y và giáo hoàng. Phụ nữ thường có vai trò hết sức khiêm tốn trong Giáo hội Công giáo.
Vì thế mà một số nhóm đang đấu tranh yêu cầu phải có những cải tổ về giáo luật để phụ nữ được nắm giữ những chức vụ quan trọng hơn, điển hình như Giáo hội Công giáo tại Đức cũng đã bỏ phiếu đồng ý cho phụ nữ làm linh mục.
Cái nhìn cởi mở của Giáo hoàng
Tòa Thánh Vatican luôn bác bỏ việc phong chức linh mục cho phụ nữ vì nó không phù hợp với truyền thống có từ 2.000 năm trước.
Nhưng những nỗ lực cải cách giáo triều của Giáo hoàng Francis cho thấy ông đã có cái nhìn cởi mở hơn rất nhiều so với các vị tiền nhiệm.
Chẳng hạn như cho phép hàng ngàn phụ nữ làm việc trong các cơ quan thuộc Vatican, thậm chí nắm những chức vụ mà trước đây chỉ dành cho các giám mục hoặc hồng y.
Những bước cải cách có phần táo bạo của Giáo hoàng Francis làm cho những người theo chủ nghĩa bảo thủ có phần e ngại, lo sợ ông đi quá xa với truyền thống lâu đời của giáo hội.
Một số người đã chỉ trích Giáo hoàng trong thái độ ủng hộ của ông với những cặp đồng tính được kết hôn dân sự, cũng như sự khoan dung của ông trong cách gọi những người ly dị tái hôn là "luôn thuộc về giáo hội".
Mặt khác, những người cấp tiến thì cảm thấy phấn khởi vì được thấy một luồng gió mới, làm cho giáo hội trẻ trung, năng động và gần gũi với mọi người hơn, đặc biệt là những quyết định mang đậm dấu ấn cá nhân của Giáo hoàng liên quan đến vai trò của phụ nữ trong giáo hội.
Người ta có quyền hy vọng sẽ được chứng kiến những cải cách mang tính đột phá hơn nữa, khi mà ngày càng có nhiều tiếng nói của phụ nữ được thể hiện trong những quyết định quan trọng của giáo hội.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới 2023 được chọn là "Vì Một Giáo Hội Hiệp Hành", và những quyết định thăng tiến phụ nữ trong giáo hội được đưa ra trong giai đoạn chuẩn bị cho Thượng Hội đồng.
Hiệp Hành có nghĩa là mọi thành phần trong giáo hội, không phân biệt nam nữ, giáo sĩ hay giáo dân, cùng nắm tay nhau đi trên một con đường, cùng nhau tham gia trong mọi sứ vụ của Hội Thánh.
Tài liệu hướng dẫn hội nghị đã khẳng định: hội nghị không nhắm tới việc tạo ra một tài liệu thần học, mà mục đích chính là "băng bó vết thương, khơi lên niềm tin và hy vọng của con người", để mọi người tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá nhưng mỗi người có bổn phận khác nhau tùy theo bậc sống của mình.
Khóa họp vừa xong của Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Vinh trong tháng 4 này cũng đã bàn và đề cử đại diện tham gia Thượng Hội đồng.
Theo luật, cứ 25 giám mục thì được chọn một đại diện, mà Việt Nam hiện có 28 giám mục đương nhiệm, cho nên thông thường sẽ được cử 2 đại diện.
Ngoài ra, trong số 40 phụ nữ và 40 đàn ông không phải là giám mục được lựa chọn để tham gia hội nghị lần này, rất có thể sẽ có một phụ nữ Việt Nam được lựa chọn.
Nếu được như vậy thì đó là một vinh dự cho chị em phụ nữ Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định vị thế và tiếng nói của người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam sẽ được thế giới lắng nghe và tôn trọng.
BÌNH PHƯƠNG
Theo Giáo hoàng Francis, cuộc chiến Ukraine được thúc đẩy bằng lợi ích của một số bên, và không chỉ Nga. Phát biểu này đáng chú ý giữa các cuộc tranh luận liệu có “bàn tay vô hình” đứng sau thế cục Ukraine hay không.
Xem thêm: mth.25041606003403202-irt-is-oaig-ed-nav-av-sicnarf-gnaoh-oaig/nv.ertiout