Mo Huabin, sống tại Thâm Quyến, chia sẻ với tờ Financial Times rằng mình đã “trúng số độc đắc” khi các video quảng cáo “cà phê enzim giúp giảm cân” lan truyền trên TikTok.
Video này được đăng từ đầu năm ngoái; phân cảnh quay trước và sau liệu trình giảm cân đã thu hút được hàng triệu lượt xem. Số lượng đơn hàng tăng cao dù giá không hề rẻ: 124 USD (3 triệu đồng) cho 1 gói điều trị giảm 15-25 kg.
“Cà phê giảm cân thực ra vẫn chỉ là một loại cà phê thông thường và không có gì đặc biệt”, Huabin thừa nhận. “Khi đó tôi cũng không biết sao nó trở nên nổi tiếng như vậy”.
Theo Financial Times, TikTok đã mang lại doanh thu 15 tỷ USD cho ByteDance năm ngoái. Khác với nền tảng chị em Douyin bị kiểm soát chặt chẽ tại Trung Quốc, TikTok may mắn được “thả nổi” nhờ thuật toán cho phép bất kỳ nội dung nào cũng có thể lên top xu hướng.
Những người như Huabin đã lợi dụng điều này để kiếm tiền trên TikTok Shop, bất chấp việc chúng có thể gây hệ lụy. “Tôi làm nội dung TikTok để trục lợi”, Huabin nói trong một video trên Douyin. “Nội dung chính của tôi là thương mại điện tử và phát trực tiếp cho người dùng châu Mỹ”.
Huabin không coi việc bán những mặt hàng không kiểm định, không rõ nguồn gốc, đánh vào yếu tố tâm lý là hành vi lừa người dùng. Anh chỉ đơn giản coi đây là hành động lợi dụng kẽ hở của nền tảng để kiếm thêm thu nhập.
Nhiều người khác cũng bán hàng giả, kém chất lượng trên TikTok Shop với chiêu thức tương tự. Họ chi tiền chạy quảng cáo cho ByteDance để giúp video lên xu hướng, sau đó đưa người dùng đến trang web của bên thứ ba để hoàn tất giao dịch mua bán. Những tài khoản này rõ ràng đã vi phạm quy tắc nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại.
“TikTok ưu tiên lợi nhuận hơn việc thực hiện nghiêm các quy định về hàng hóa trên nền tảng”, CEO của một công ty thương mại điện tử ở London nói.
Trong khi đó, TikTok khẳng định có chính sách nghiêm ngặt bảo vệ người dùng khỏi những nội dung giả mạo, lừa đảo hoặc gây hiểu lầm. Các nội dung vi phạm sẽ bị xóa.
Dẫu vậy, những nội dung như thế này vẫn tràn lan. Thuật toán TikTok đề xuất video từ người lạ nên tài khoản mới lập cũng có thể lập tức lan truyền, từ đó giúp những chủ shop như Huabin tiếp cận khán giả nhanh hơn hẳn Instagram và YouTube - nơi mỗi tài khoản phải có lượng người theo dõi nhất định.
“Nếu tài khoản bị đóng, chúng tôi có thể kích hoạt lại nó, không thì chỉ cần lập tài khoản mới”, anh nói.
Với “cà phê giảm cân”, Huabin sử dụng video cắt ghép hình ảnh Dana Brems, bác sĩ ở Los Angeles kiêm KOL trên mạng xã hội, nhằm tăng độ tin cậy. Brems cho biết các video bị sử dụng trái phép, sau khi báo cáo lên TikTok, cũng không giải quyết được gì.
“Hầu hết sẽ không tin khi xem video, nhưng nếu số lượng tiếp cận đủ lớn, ắt sẽ có người tin và mua hàng”, Brems nói.
Huabin cho biết anh nhận thức được việc làm sai trái của mình nên cuối năm ngoái đã lập kênh Douyin để lật tẩy loạt cà phê giảm cân fake. Người đàn ông này cũng chuyển sang bán hàng hợp pháp vì coi trọng đạo đức làm nghề.
Không chỉ “dính phốt” lan truyền các sản phẩm kém chất lượng, TikTok còn đang phải đối mặt với nhiều lo ngại xoay quanh hoạt động bảo mật dữ liệu tại các thị trường nước ngoài. Cơ quan bảo vệ dữ liệu Italy hồi năm ngoái cho biết ứng dụng này có thể đã vi phạm các nguyên tắc của Liên minh châu Âu khi cung cấp quảng cáo được nhắm mục tiêu mà không có sự đồng ý của người dùng. Đáp lại, TikTok cho biết công ty chỉ đang “cố gắng xây dựng những trải nghiệm được cá nhân hóa” và “cam kết tôn trọng quyền riêng tư’’.
Ngoài ra, công ty an ninh mạng Internet 2.0 của Australia cũng từng cáo buộc TikTok thu thập quá mức số lượng lớn dữ liệu. Cụ thể, ứng dụng kiểm tra vị trí thiết bị ít nhất 1 lần/giờ và liên tục tìm kiếm quyền truy cập danh bạ ngay cả khi người dùng đã từ chối các yêu cầu trước đó. Đáp lại, TikTok cho biết mình “không phải là đơn vị duy nhất thu thập thông tin người dùng, thậm chí còn thu thập ít hơn nhiều so với các ứng dụng phổ biến khác”.
Để trấn an các nhà chức trách và người dùng, TikTok đã thành lập Trung tâm minh bạch ở Los Angeles, Washington và Dublin để giải thích mã nguồn ứng dụng và cách thuật toán hoạt động. Phía TikTok cũng triển khai Dự án Texas nhằm giải quyết một số vấn đề hiện hữu, bao gồm thiết kế tổ chức, bảo vệ dữ liệu, kiểm soát truy cập, đảm bảo công nghệ, đảm bảo nội dung cũng như quá trình tuân thủ và giám sát. Hàng nghìn nhân sự và hơn 1,5 tỷ USD đã được huy động để xây dựng dự án này.
Theo The Verge, ít nhất 7 kiểm toán viên bên ngoài sẽ xem xét tất cả dữ liệu vào và ra đối với phiên bản TikTok tại Mỹ. Nếu đề xuất này được chính phủ chấp thuận, TikTok sẽ tiêu tốn khoảng 700 triệu đến 1 tỷ USD/ năm để duy trì Dự án Texas.
Theo: FT, SCMP