Giải thích về những bất cập trong ngày đầu khai thác, ông Hoàng Nghĩa Việt - phó giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - cho rằng từ sáng cùng ngày lưu lượng xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ TP.HCM đổ ra rất đông.
Khi chạy đến nút giao, xe tập trung dừng lại chờ được trải nghiệm cao tốc mới Phan Thiết - Dầu Giây.
Đến khoảng 11h cùng ngày, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chính thức mở phục vụ, lượng xe cùng lúc dồn vô, đi thêm khoảng 4km là gặp trạm thu phí cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nên càng di chuyển khó khăn thêm.
Đến đầu giờ chiều cùng ngày, đoạn này mới thông thoáng trở lại do xe đã vãn hồi. Và đến sáng nay xe thông thoáng bình thường.
Nói về trạm thu phí, ông Nghĩa cho biết đây chỉ tạm thời thu cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Sau này cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chính thức được thu phí thì trạm này sẽ dỡ bỏ. Các vị trí dự kiến xây dựng trạm thu phí ở các nút giao đã được bố trí sẵn.
"Chúng tôi cũng tính toán hết, 2 làn thu tạm tại trạm thu phí này vẫn đủ đáp ứng cho xe đi qua. Hiện đã vận hành ổn định", ông Nghĩa nói.
Còn tại đoạn giao với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đường dẫn kết nối với quốc lộ 1 ở Bình Thuận, ông Nghĩa cho rằng do hạ tầng còn chưa hoàn chỉnh nên khó tránh khỏi ùn ứ trong thời gian đầu.
Dự kiến đến ngày 19-5, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đưa vào khai thác thì giảm tải rất nhiều cho đoạn này. Xe cộ sẽ thông suốt từ TP.HCM ra hướng các tỉnh miền Trung, không "quá giang" ra quốc lộ 1.
Đồng thời nút giao giữa quốc lộ 1 với đường dẫn chưa có đèn tín hiệu, bảng chỉ dẫn và các hệ thống an toàn… nên xe cộ khó khăn di chuyển. Hiện lực lượng cảnh sát giao thông Bình Thuận đang bố trí điều tiết tạm thời.
Ông Nghĩa cho biết thêm, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác là cho xe chạy suốt, không có chủ trương đóng lại.
"Phần lớn tuyến chính đã ổn, còn vài hạng mục an toàn, đường gom dân sinh, cầu vượt, nút giao chúng tôi vẫn triển khai thi công. Nếu thi công trên tuyến chính, nguy cơ ảnh hưởng đến xe cộ, chúng tôi sẽ thông báo cho các đơn vị liên quan phối hợp điều tiết", ông Nghĩa nói.
Riêng việc có nhiều xe ô tô chui từ đường dân sinh đi, ông Nghĩa cho biết sẽ kiểm tra, chấn chỉnh lại. Còn xe máy chủ yếu do công nhân thi công đi phản ứng nhanh các công việc tồn tại trên tuyến chính.
Thường xuyên di chuyển nhiều trên cao tốc, quốc lộ có nút giao lớn, anh Hòa băn khoăn thiết kế đường dẫn từ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ra quốc lộ 1 ở Bình Thuận nhiều bất cập.
Cụ thể, khi đi từ TP.HCM về đến đây, tại sao không thiết kế nhánh rẽ trước cầu vượt để thuận tiện nhập làn vào đường dẫn ra quốc lộ 1. Trong khi tại đây xe phải chui qua khỏi cầu vượt mới rẽ ra ngoài.
Di chuyển thêm một đoạn sẽ "xung đột" với hướng từ quốc lộ 1 vào cao tốc. Việc này sẽ bất tiện, tránh xe thêm một đoạn thay vì đi thông suốt ra ngoài.
Công an tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Ban quản lý dự án Thăng Long phối hợp làm lại phương án giao thông tại những đoạn này để tránh "xung đột".
Sau khi kết thúc lễ khánh thành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục đi kiểm tra đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100km.
Xem thêm: mth.38335050103403202-oav-ar-uad-iah-cat-yaig-uad-teiht-nahp-cot-oac-oas-iv/nv.ertiout