Chiều 31-3, trong khuôn Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh, tại trang trại nuôi biển khu Phất Cờ (huyện Vân Đồn), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cùng Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã gặp gỡ, lắng nghe kiến nghị của các HTX, doanh nghiệp nuôi biển.
Tại hội nghị, đại diện các HTX, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh đã trao đổi, chia sẻ và đề xuất tháo gỡ một số vấn đề về phủ lõm sóng di động tại các khu vực nuôi trồng, đầu tư xây dựng cảng cá, quy hoạch vùng nuôi trai riêng, phát triển đồng bộ giữa du lịch và nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ mở rộng diện tích trồng rong sụn…
Ông Trần Văn Bảo, Giám đốc HTX Thủy sản Thắng Lợi đang nuôi trồng tại xã đảo Thắng Lợi, Vân Đồn, cho biết sau một quá trình dài, những người nuôi biển ở Quảng Ninh mong mỏi có cơ chế, chính sách được Nhà nước cấp phép nuôi biển, giao mặt nước ổn định, lâu dài để yên tâm đầu tư sản xuất. Đến nay, mong mỏi này đang thành hiện thực.
Dù vậy, đặc thù của vùng biển tại Vân Đồn, các hòn đảo trên vịnh Bái Tử Long liên kết với nhau tạo thành các vũng, vịnh kín sóng, kín gió đồng thời cũng… kín luôn sóng điện thoại. Người nuôi biển đặt lồng bè ngoài khơi, không có sóng điện thoại để liên lạc nên rất khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ngoài ra, Vân Đồn cũng chưa có cảng cá để tiêu thụ sản phẩm. Mong muốn của bà con là có một cảng cá đủ tiêu chuẩn để những gì sản xuất ra có nơi mua bán, tiêu thụ.
Giám đốc HTX nuôi trai Đảo Ngọc Ngô Thị Vui, bày tỏ sự vui mừng, biết ơn trước những chia sẻ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Chị cho rằng, người nuôi biển cũng thấm thía và hiểu được rằng, "đi ra biển phải đi cùng nhau đi, đoàn kết, liên kết, không có cạnh tranh dưới mặt nước thì trên bờ mới bán được sản phẩm". Bà Vui mong muốn có quy hoạch riêng vùng nước cho con trai lấy ngọc bởi đây là giống nuôi kén nước, cần có môi trường biển an toàn, trong sạch…
Tại buổi gặp gỡ, người đứng đầu ngành Nông nghiệp nhấn mạnh, nuôi biển, nhất là nuôi biển công nghệ cao là ngành kinh tế quan trọng của địa phương và đất nước, có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực khai thác tự nhiên, gia tăng giá trị đại dương, đa dạng sinh học, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, ngành nuôi biển sẽ tạo ra không gian kinh tế mới, nguồn sinh kế mới và đa dạng sinh học.
Bộ trưởng đề nghị mỗi doanh nghiệp, HTX, cơ sở cần đoàn kết, sát cánh, chung tay chia sẻ giá trị của nuôi biển để cùng nhau phát triển bền vững bảo vệ môi trường, từ đó, nuôi biển, nuôi bờ, nuôi và xây dựng một hệ sinh thái kinh tế môi trường biển xanh, bền vững cho hôm nay và cho thế hệ mai sau.
“Mọi sản phẩm nuôi trồng nếu chúng ta chỉ quan niệm nó là thực phẩm, đó mới chỉ là giá trị 10, thủy phẩm mới là giá trị 100. Bà con nuôi biển cần có tư duy tối đa hóa sản phẩm, không nên coi nghề cá là nghề giải trí” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, Bộ cùng các địa phương đang nỗ lực tạo ra một không gian sinh kế mới, đưa nuôi biển trở thành ngành hàng. Nếu cứ theo cách tiếp cận này sẽ và đôi khi cứ căng thẳng về lợi ích, sẽ không có sự chia sẻ lợi ích.
Bộ trưởng nhấn mạnh việc đoàn kết trong các doanh nghiệp Việt Nam để cùng phát triển. "Đi ra biển phải đi cùng nhau đi, đoàn kết, liên kết, không có cạnh tranh dưới mặt nước thì trên bờ mới bán được sản phẩm" - Bộ trưởng nói.
Về những khó khăn của doanh nghiệp, HTX, Bộ trưởng khẳng định dù khó khăn có thể còn vướng ở bộ này, bộ kia, thế nhưng sẽ có những giải pháp tháo gỡ.
“Tôi mong muốn cuộc gặp gỡ với bà con các HTX sẽ chia sẻ những câu chuyện với tôi, chúng ta nói thẳng vào chỗ cần phải gỡ, chúng tôi sẽ nghiên cứu cụ thể” - người đứng đầu ngành Nông nghiệp nói.
Tại cuộc gặp gỡ, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giải đáp một số kiến nghị của những hộ nuôi biển. Ông Huy cho biết, tỉnh cam kết sẽ giải quyết thấu đáo, kịp thời, nhanh chóng các mong muốn chính đáng của HTX, doanh nghiệp và người dân.
Tỉnh cũng mong muốn các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, tham vấn, triển khai các dự án để ngành nuôi biển Quảng Ninh phát triển tương xứng với tiềm năng. Các cơ sở cùng nhau đoàn kết, phát huy lợi thế, dựa vào cộng đồng doanh nghiệp, gắn bó với nhau, đảm bảo mục tiêu phát triển.