Trẻ tiếp cận trào lưu, video xấu trên mạng, nguy hại sức khỏe ra sao?
Nhiều hình tượng bạo lực, phản cảm
Từng bị bạn học trêu ghẹo nhiều lần vì bắt chước theo các video trên mạng xã hội, em T.N.T. (12 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) tâm sự:
"Nhiều lần cảm thấy rất tuyệt vọng và bất lực vì bị bạn bè trêu chọc, có hôm em không dám lên lớp vì xấu hổ. Lần gần đây nhất em bị là khi đang ăn kem thì bị một bạn chạy đến cướp lấy cây kem và ăn ngấu nghiến.
Thấy em đang tức giận thì các bạn xung quanh cười phá lên, chỉ vào một bạn đang lấy điện thoại quay video hô lớn "trôn, trôn Việt Nam" như các clip trên mạng, sau đó đăng lên mạng xã hội".
Đau đầu vì luôn phải giám sát con mình coi điện thoại di động, chị P.T.H.N. (35 tuổi, TP Thủ Đức) kể rằng:
"Có hôm cuối ngày dành cho bé nhà mới 6 tuổi 30 phút để giải trí sau giờ học căng thẳng.
Khi mới lơ được 5 phút để dọn nhà, tôi quay lại rất ngạc nhiên khi thấy con đang xem clip đầu người mọc ra trong toilet kênh "S.T." có cảnh bạo lực rất đáng sợ.
Tôi lập tức tắt đi và không cho con xem các clip như thế nữa".
Chị N. cho biết nhiều hôm con còn thường xuyên lắc đầu qua lại do học theo các video trên mạng, nhiều video chứa cả cảnh bạo lực.
Một vài hình tượng nhân vật hoạt hình gắn liền với tuổi thơ của trẻ em đang bị "bẩn hóa", có thể gieo rắc những điều xấu vào tư tưởng các em. Có thể kể đến chú heo Peppa cầm dao tự rạch mặt, các clip về người nhện và công chúa Elsa có những hành động và lời nói phản cảm...
Hoặc như trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để bắt gặp các video hướng dẫn tự chế tạo pháo nổ tại nhà, các bài viết rao bán vật liệu để làm pháo. Không ít trường hợp trẻ học theo dẫn đến các thương tật, thậm chí là tử vong.
Hàng loạt hệ lụy
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS Trần Quang Trọng - khoa tâm lý lâm sàng Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) - cho biết ở độ tuổi học sinh đang trong giai đoạn dậy thì, trẻ rất ham học hỏi khám phá.
Thông qua phim ảnh, đọc báo, mạng xã hội, xem người khác thực hiện, trẻ có thể bắt chước làm một điều gì đó mà chúng hứng thú, tò mò. Nếu không có sự theo dõi, quản lý của người lớn, trẻ có thể tự ý làm theo cách của mình và rất nhiều trường hợp đáng tiếc, đau lòng đã xảy ra.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay việc sử dụng Internet đã mang lại nhiều giá trị tích cực cho trẻ em và thanh thiếu niên nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu sử dụng quá mức, thiếu kiểm soát.
Khi tham gia môi trường mạng, trẻ dễ gặp phải các rủi ro khác như bắt nạt trực tuyến, lừa đảo xâm phạm đời tư hay thậm chí xâm hại tình dục...
Trong những nguy cơ đó, xâm hại tình dục trẻ em là một trong những nguy cơ có thể dẫn đến tổn thương về thể chất và tinh thần suốt đời.
Việc sử dụng mạng Internet quá mức khiến trẻ dễ tiếp xúc với những nội dung có hại hoặc bị lôi kéo, dụ dỗ bởi các tác nhân không mong muốn trên mạng xã hội.
Có những hoạt động nguy hiểm trên mạng xã hội như thúc đẩy trẻ thực hiện các thử thách nguy hiểm như "thử thách Momo" hay "thử thách Cá voi xanh", có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ.
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi đồng TP - cho biết đối với trẻ em, việc tiếp cận các sản phẩm truyền thông có nội dung kinh dị, ghê rợn, hù dọa có thể làm trẻ bị tác động tiêu cực như hoảng sợ, lo âu, có những suy nghĩ ám ảnh, thậm chí dẫn đến cảm giác kém an toàn, có các xáo trộn về sinh hoạt và giấc ngủ.
Khi có cảm xúc lo lắng, nhiều trẻ có hành vi quấy khóc, bám cha mẹ hoặc thu mình, ít chịu tương tác với người khác.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc một người sử dụng Internet không hợp lý có thể là nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ.
Nếu dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng Internet và chơi game sẽ làm đảo lộn thời gian biểu sinh hoạt trong ngày. Từ đó, trẻ có thể đối mặt với việc sa sút trong học tập, khó khăn trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội.
Rèn luyện kỹ năng chơi thể thao cho trẻ
Bác sĩ Nguyễn Văn Ca - chủ nhiệm khoa tâm thần Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM - chia sẻ vai trò của phụ huynh là rất quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em trước các mối nguy hại trên không gian mạng.
Trước hết, phụ huynh cần có sự hiểu biết nhất định về mạng xã hội, biết cách sử dụng các trang mạng để phục vụ các nhu cầu về công việc, giải trí lành mạnh để làm tấm gương cho trẻ học tập và noi theo.
Gia đình cần giáo dục kỹ năng sống, nhất là kỹ năng điều tiết và kiểm soát bản thân cho trẻ. Rèn luyện thói quen tốt như chơi thể thao, tham gia các câu lạc bộ để trẻ rèn luyện thể lực, có thêm kỹ năng, giảm thời gian tiếp cận mạng xã hội.
Hơn hết, phụ huynh cần dành thời gian trò chuyện để hiểu tâm tư của con, động viên và khích lệ tinh thần, có thể cùng con xem những video, lắng nghe chia sẻ của con, kịp thời định hướng cho con nếu con xem những thứ không tốt.
Báo cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu xâm hại trẻ trên mạng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho rằng phụ huynh cần dành nhiều thời gian, quan tâm hơn khi các em tiếp xúc với môi trường mạng Internet, không để trẻ dành quá nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử lên mạng ngoài giờ học.
Hãy học và chơi cùng con trên mạng Internet, cần chú trọng trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu xâm hại, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng nên trình báo với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Khoảng 16% trẻ em trong độ tuổi từ 11 - 15 từng bị bắt nạt trên mạng ít nhất 1 lần, cao hơn con số 13% ghi nhận 4 năm trước đó.