Hôm 28-3, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố các quy tắc mới nhằm hạn chế xuất khẩu chip và công cụ sản xuất chip AI sang Trung Quốc. Đây là bản cập nhật mới nhất nhằm vá những lỗ hổng của phiên bản trước đó, được đưa ra vào tháng 10-2023 nhằm ngăn Trung Quốc vượt mặt Mỹ trong lĩnh vực chip AI.
Mở rộng hạn chế
Bộ quy tắc mới dài 166 trang, bắt đầu có hiệu lực từ ngày công bố. Bộ Thương mại Mỹ, nơi có trách nhiệm giám sát và kiểm soát xuất khẩu công nghệ, tuyên bố sẽ tiếp tục điều chỉnh những biện pháp hạn chế và cập nhật bộ quy tắc này.
Gần như cùng lúc với việc Mỹ công bố bản cập nhật quy tắc xuất khẩu mới, tại Bắc Kinh, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố "không thế lực nào có thể ngăn chặn sự phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc".
Lời khẳng định được ông Tập nêu khi tiếp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, nhưng đó là thông điệp mà Bắc Kinh muốn gửi đến cả Washington. Hà Lan là nơi đặt trụ sở của ASML - tập đoàn công nghệ lớn nhất châu Âu chuyên cung cấp các thiết bị sản xuất chip. ASML cũng là nơi duy nhất cung cấp máy khắc quang học tia cực tím (EUV) dùng cho các dòng chip tiên tiến.
Trước sức ép từ Mỹ và Chính phủ Hà Lan, ASML đã buộc phải tính toán lại việc xuất khẩu các thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, đặc biệt là EUV. Rõ ràng là Mỹ đã thành công trong việc ngăn chặn trước mắt việc xuất khẩu các công nghệ sản xuất chip AI sang Trung Quốc.
Nhưng đã có những công ty Mỹ tìm cách "lách luật" để làm ăn với Bắc Kinh, trong đó có nhà thiết kế chip AI hàng đầu Nvidia. Sau khi bị cấm bán chip AI H100, Nvidia đã bắt đầu vận chuyển các sản phẩm như chip H800 hiệu suất thấp hơn cho Trung Quốc để tránh các quy định.
Tuy nhiên, các hạn chế tiếp theo vào tháng 10-2023 cũng đã cấm xuất khẩu các con chip này. Điều đó cho thấy Mỹ luôn theo dõi sát thực tế và điều chỉnh để ngăn các công nghệ, trí tuệ của nước này đến Trung Quốc.
Động lực cho Trung Quốc tự chủ?
Pedro Domingos, giáo sư về khoa học máy tính tại Đại học Washington (Mỹ), tin rằng có nhiều cách để Trung Quốc có thể có được chip của Mỹ thông qua các trung gian. "Những biện pháp của Mỹ cũng khuyến khích Trung Quốc phát triển năng lực của riêng mình để ít phụ thuộc hơn vào chip của Mỹ", ông nói với Đài DW của Đức.
Thật vậy, việc Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục áp đặt các quy định mới đã khiến nhiều công ty Trung Quốc chuyển sang các sản phẩm trong nước. Trước các lệnh cấm, các chip tiên tiến của Nvidia đã đến thị trường Trung Quốc nhưng số lượng khá hạn chế, không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển AI của các công ty lớn của nước này, theo tờ Nikkei Asia.
Và Huawei đã nổi lên như một sự thay thế khả thi. Mặc dù phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ, công ty này đã gây sốc khi công bố một chiếc điện thoại thông minh vào tháng 8 năm ngoái được trang bị chip 7nm tiên tiến do Tập đoàn SMIC của Trung Quốc sản xuất. "Hiệu suất của chúng kém hơn chip Nvidia, nhưng chúng tôi chắc chắn có thể sử dụng chúng", giám đốc điều hành tại một công ty Internet lớn của Trung Quốc nói về con chip 7nm của Huawei.
Các nhà sản xuất chip khác của Trung Quốc cũng tìm cách tận dụng những hạn chế đối với Nvidia để biến thành cơ hội tự chủ. Công ty Hygon đã bắt đầu phát triển chip AI mới vào mùa thu năm ngoái, tuyên bố với các nhà đầu tư vào cuối năm ngoái rằng họ đang xây dựng cơ sở hạ tầng AI cho Baidu và Alibaba. Hay như công ty khởi nghiệp chip Moore Threads Technology đã công bố AI MTT S4000 vào cuối năm nay, với cam kết dữ liệu của khách hàng có thể dễ dàng được sao chép từ các sản phẩm của Nvidia.
Bắc Kinh còn đang nắm trong tay các nguồn nguyên liệu thô quan trọng của ngành bán dẫn, kiểm soát 60% sản lượng kim loại gallium và 80% germanium toàn cầu. Đó là lý do vì sao thời gian qua Mỹ đã tìm cách đảm bảo nguồn cung các khoáng sản thiết yếu với những quốc gia khác ngoài Trung Quốc.
Tất nhiên, sẽ còn mất thêm một thời gian nữa để Trung Quốc bắt kịp Mỹ trong cuộc đua chip AI.
Trung Quốc hiện có thể không có kiến thức hoặc thậm chí là thiết bị cần thiết để bắt kịp Mỹ về chip AI, nhưng họ có tiền và quyết tâm để biến kế hoạch tự chủ chip AI trở nên khả thi hơn.
Thị trường lớn
Nền kinh tế số 2 thế giới cũng là thị trường lớn cho nhiều nhà sản xuất chip, chưa kể chip AI. Đây là đòn bẩy để Bắc Kinh gây sức ép với những công ty đến từ phương Tây.
Intel, một trong những gã khổng lồ sản xuất chip của Mỹ, đã ngầm cảnh báo chính quyền Biden về những hệ quả của các biện pháp hạn chế xuất khẩu.
Giám đốc điều hành Intel Pat Kissinger tuyên bố sự hạn chế đó có nguy cơ gây nguy hiểm cho chính sách đưa sản xuất chip "trở lại Mỹ".
Nếu không có đơn đặt hàng từ khách hàng Trung Quốc, theo ông Pat Kissinger, Intel sẽ có ít lý do hơn để thúc đẩy các nhà máy đã lên kế hoạch ở bang Ohio và các dự án trong nước khác.
Tổng thống Mỹ hy vọng 20 tỉ USD tài trợ và khoản vay cho Intel sẽ khởi động ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ, nhưng đó chỉ mới là bắt đầu và sẽ cần phải đầu tư nhiều hơn nữa trong tương lai.