Cầu xây xong đã lâu nhưng…
Công trình cầu vượt Ngã ba Huế (Đà Nẵng, dự án BT) đã hoạt động 9 năm qua nhưng nhà đầu tư vẫn chưa được thanh toán tiền xong.
Mới đây, cử tri Đà Nẵng đã có kiến nghị công trình nút giao thông khác mức Ngã ba Huế (được gọi là cầu vượt Ngã ba Huế) vẫn chưa thanh toán hết cho doanh nghiệp. Số nợ vay của dự án tiếp tục phát sinh thêm lãi suất, gây ra rất nhiều khó khăn, tổn thất cho doanh nghiệp...
Dự án trên được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2011, loại hợp đồng BT. Nhà đầu tư là Công ty TNHH Ngã ba Huế Trung Nam.
Ngoài ra, một số dự án BT khác ở Đà Nẵng cũng đang gặp vướng.
Đó là trường hợp Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung (DMT), nhà đầu tư dự án BT tại các dự án khu tái định cư Phước Lý 2, khu tái định cư Phước Lý 6, tuyến đường Lê Trọng Tấn nối dài; Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng - Miền Trung (DMT-Cienco), nhà đầu tư dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài, khu tái định cư Hòa Liên 5.
Các dự án trên được UBND TP Đà Nẵng đầu tư theo hình thức BT và các doanh nghiệp trên là đơn vị trúng thầu.
Sau khi ký các hợp đồng và phụ lục hợp đồng BT, từ năm 2015 nhà đầu tư đã bỏ tiền ra trước để thực hiện, triển khai các dự án. Vậy nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán hoàn vốn khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Gỡ vướng thế nào?
Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao thông khác mức Ngã ba Huế do UBND TP Đà Nẵng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, với cơ chế Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dự án bằng tiền sau khi hoàn thành việc xây dựng, chuyển giao.
Trong quá trình thực hiện việc thanh toán, quyết toán bằng tiền giá trị công trình BT, do các quy định của pháp luật chưa có sự đồng bộ, thống nhất dẫn đến một số tồn tại, vướng mắc khi thực hiện thanh toán, quyết toán các khoản chi phí phát sinh sau giai đoạn xây dựng không có trong tổng mức đầu tư của dự án (lợi nhuận của nhà đầu tư, lãi vay trong thời gian chờ thanh toán...).
Đây là các tồn tại, vướng mắc chung của các dự án BT thanh toán bằng tiền khi giải ngân các khoản chi không có trong tổng mức đầu tư của dự án trên phạm vi cả nước, chứ không chỉ riêng dự án này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định về đầu tư PPP, trong đó có nội dung liên quan đến xử lý các tồn tại về thanh toán, quyết toán của dự án BT. Và dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét trong quý 2-2024.
Thay đổi phương thức thanh toán
5 hợp đồng BT do Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung và Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng - Miền Trung làm nhà đầu tư đang gặp khó liên quan đến thanh toán cho các dự án.
Năm 2016, thành phố thống nhất chủ trương điều chỉnh phương thức thanh toán: Nhà đầu tư tự bỏ vốn ra đầu tư dự án và được thành phố thanh toán bằng quỹ đất theo hình thức giao đất không thông qua đấu giá.
Qua rà soát, việc điều chỉnh thanh toán chuyển từ tiền sang đất mà không thông qua đấu giá là chưa đủ cơ sở pháp lý, do đó thành phố thống nhất điều chỉnh phương thức thanh toán cho các dự án.
Mặc dù các nhà đầu tư đã cơ bản đồng ý phương án thanh toán bằng tiền, nhưng đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu tài chính (lợi nhuận, lãi vay) vào dự án để giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xác định các chỉ tiêu tài chính hiện đã hết hiệu lực mà không có văn bản thay thế, do đó việc áp dụng vào thời điểm hiện nay chưa thể thực hiện được...
Nhiều dự án trên đất vàng giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng đang "trùm mền". Việc xử lý các dự án "treo" cả chục năm trên đất vàng sẽ được thực hiện ra sao để tránh lãng phí?