Hôm 31-3, trang Axios dẫn ba nguồn tin quan chức Mỹ và Israel khẳng định Mỹ và Israel sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến liên quan tới cuộc chiến ở Dải Gaza trong ngày 1-4.
Cuộc gặp này tập trung vào thảo luận những đề xuất thay thế của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với kế hoạch tiến quân của Israel vào Rafah.
Áp lực cho Israel ở Dải Gaza
Rafah có khoảng 1 triệu người Palestine sinh sống, là một trong hai điểm ra vào lãnh thổ Gaza. Mỹ đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch của Israel tại khu vực này vì có khả năng dẫn tới thảm họa nhân đạo.
Israel đã mất gần 6 tháng cho kế hoạch tiêu diệt tận gốc tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine ở Dải Gaza. Phía Israel cho rằng đây là cách tốt nhất để Hamas không thể tái diễn đợt tấn công làm khoảng 1.200 người chết trên đất Israel ngày 7-10-2023.
Mặc dù vậy, thời gian lại không ủng hộ Israel. Cuộc chiến đã kéo dài với thương vong theo số liệu mới nhất được cho sắp chạm mốc 33.000 người.
Trong khi đó, Israel chưa đạt được mục tiêu kép gồm vừa tiêu diệt Hamas vừa giải phóng toàn bộ 253 người bị Hamas bắt đi. Tới nay 130 người vẫn còn ở Gaza, chưa rõ bao nhiêu người còn hay mất.
Đêm 30-3, trên khắp các đường phố tại Israel, người biểu tình đã bắn tín hiệu không tụ tập rải rác mà sẽ "tổng biểu tình".
Các nhóm người xuống đường, bao gồm thân nhân con tin còn bị bắt, yêu cầu Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải chịu trách nhiệm cho việc xử lý vấn đề Dải Gaza. Họ cáo buộc ông chính là "trở ngại" cho một thỏa thuận ngừng bắn và đưa con tin ra ngoài.
Trong khi đó, trên bình diện quốc tế, Israel có vẻ cũng khiến đồng minh thân cận Mỹ phải chọn cách tiếp cận khác.
Thông tin về cuộc họp trực tuyến ngày 1-4 nêu trên được đưa ra không lâu sau khi Mỹ không bỏ phiếu chống đối với một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Liên Hiệp Quốc.
Đồng minh quay lưng, Israel đơn độc tại Dải Gaza?
Nói như bài bình luận của tờ Guardian (Anh) ngày 31-3, thông điệp đã rất rõ ràng: thời gian đã hết cho cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza, và chính quyền Tổng thống Mỹ Biden không còn sẵn sàng "hy sinh" uy tín của Mỹ trên trường quốc tế bằng việc bảo vệ Chính phủ Israel.
Trong những ngày qua Guardian cũng lưu ý một vài tín hiệu khác cho thấy phương Tây thay đổi lập trường ít nhất về mặt diễn giải.
Tuần trước, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố Berlin sẽ cử một phái đoàn để "nhắc nhở" Israel về nghĩa vụ của Israel với Công ước Geneva, và cảnh báo Israel không tấn công thành phố Rafah. Đó là sự thay đổi đáng chú ý về câu từ của Đức, một quốc gia đã là nhà cung cấp vũ khí và ủng hộ lớn thứ hai cho Israel.
Tương tự, Ngoại trưởng Anh David Cameron tiếp tục chỉ trích Israel về việc ngăn viện trợ vào Dải Gaza. Nhìn chung Israel càng kéo dài cuộc chiến, thương vong càng cao, áp lực nhân đạo sẽ càng lớn và chỉ khiến kế hoạch của ông Netanyahu thêm khó khăn.
Nhiều ngày qua, báo chí Mỹ cũng đã có những bài viết phân tích về chuyện chiến dịch Dải Gaza của Israel đi sai hướng.
Trong một động thái có thể khiến Israel khó ăn nói với giới quan sát, trang Vox dẫn lại bài viết hồi tháng 11-2023 của phóng viên người Israel Yuval Abraham về chuyện tại sao Israel đang làm chết nhiều dân thường.
Trích các cuộc tranh luận cùng "7 thành viên và cựu thành viên tình báo Israel", ông Abraham cho hay Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã thay đổi học thuyết ở Gaza, cho phép làm chết nhiều dân thường hơn so với tính toán ở các cuộc chiến trước đây.
Theo đó, giới chóp bu IDF đã "bật đèn xanh" cho các cuộc tấn công mục tiêu dân sự như tòa nhà dân cư và cơ sở hạ tầng công, mà họ biết rõ sẽ giết nhiều người vô tội ở Gaza.
"Trong một trường hợp, chỉ huy quân đội Israel được biết đã phê duyệt việc giết hàng trăm dân thường Palestine đổi lấy nỗ lực ám sát một chỉ huy quân đội hàng đầu của Hamas", Abraham đưa tin.
Về mặt chính thức, Israel khẳng định họ luôn tính toán cẩn thận trong mỗi lần đột kích hoặc tấn công. Nhưng việc truyền thông Israel và Mỹ có thể bới móc câu chuyện ngược lại cũng phản ánh thái độ mất kiên nhẫn của các nước đối với chiến dịch dài hơi, tiêu hao và nguy hiểm này.
Nhiều nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ sốc trước việc nghị sĩ Tim Walberg tại Hạ viện Mỹ kêu gọi giải pháp 'Hiroshima và Nagasaki' (tức thả bom hạt nhân) ở Gaza và Ukraine.