Ngày 1-4, tin từ hãng Pacific Airlines cho biết chính thức phục vụ cho Bamboo Airways mảng dịch vụ mặt đất tại Nội Bài. Trước đó, hãng này đã phục vụ cho Bamboo Airways tại Tân Sơn Nhất.
Mở rộng dịch vụ cho Bamboo Airways
Quyền tổng giám đốc Pacific Airlines Nguyễn Anh Dũng cho biết hãng vẫn "sáng đèn" ở mảng dịch vụ mặt đất cho đối tác sau khi xóa nợ thành công với chủ tàu với giá trị hơn 220 triệu USD (hơn 5.000 tỉ đồng). Đổi lại hãng trả toàn bộ máy bay kể từ ngày 18-3.
Các trang thiết bị như xe buýt được tân trang, sơn mới... để phục vụ chuyến bay cho Bamboo Airways tại Nội Bài.
Như vậy, tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất, hành khách đi chuyến bay của Bamboo Airways sẽ được Pacific Airlines phục vụ khâu dịch vụ mặt đất như xe buýt chở khách, bốc xếp hành lý...
Pacific Airlines có bộ phận dịch vụ mặt đất tại 3 sân bay là Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.
Trong quá trình tái cơ cấu, cắt giảm đội bay, hãng cũng cần xử lý hoạt động của mình tại các sân bay này. Bamboo Airways có nhu cầu, Pacific Airlines hỗ trợ, đồng thời đây cũng là cơ hội tạo công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên của hãng.
Pacific Airlines mỏi mòn chờ Vietnam Airlines cho thuê 3 máy bay
Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Vietnam Airlines, Pacific Airlines báo cáo phương án khai thác và yêu cầu Pacific Airlines sớm bay trở lại.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Pacific Airlines vẫn trong giai đoạn chờ Vietnam Airlines cho thuê 3 máy bay để duy trì hoạt động giữ giấy phép khai thác.
Các trình tự chờ trình thủ tục, chủ trương, phương án để hỗ trợ Pacific Airlines diễn ra khá chậm, đến nay vẫn chưa có thông tin nào để Pacific Airlines trở lại bầu trời.
Việt Nam có 6 hãng bay, trong đó gồm Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco), Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines. Từ khi Pacific Airlines không còn máy bay, Bamboo Airways từ 30 tàu bay chỉ còn 8 máy bay, giá vé máy bay liên tục bị đẩy lên cao, gây khó cho người dân và du lịch, đặc biệt cao điểm 30-4 và hè.
Pacific Airlines là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam với cổ đông là các doanh nghiệp nhà nước, thành lập từ năm 1991.
Năm 2007, Tập đoàn Qantas (Úc) - chủ sở hữu thương hiệu hàng không giá rẻ Jetstar - đã ký kết hợp đồng đầu tư với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để mua lại 30% cổ phần tại Hãng hàng không Pacific Airlines và trở thành cổ đông chiến lược.
Sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ cộng với tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, tháng 10-2020, Qantas Group thực hiện các thủ tục rút khỏi Pacific Airlines và chuyển giao lại 30% cổ phần cho Vietnam Airlines theo hình thức tặng lại.
Đến quý 1-2022, thương vụ này đã hoàn tất và Vietnam Airlines nắm giữ gần 99% cổ phần tại Pacific Airlines kể từ đó đến nay.
Trong năm 2022, Pacific Airlines ghi nhận tổng doanh thu gần 3.487 tỉ đồng, lỗ trước thuế 2.096 tỉ đồng.
Pacific Airlines xác nhận hãng không còn máy bay. Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Tân Sơn Nhất, các quầy thủ tục mang thương hiệu của hãng vắng lặng, máy tính tắt điện, thi thoảng có khách tới hỏi thăm về tình trạng chuyến bay...