Chiều ngày 1/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2024.
Thông tin tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “3 tháng đầu năm 2024, trước nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá, năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế đất nước".
Theo Thứ trưởng Tiến, trước ảnh hưởng của thị trường, dịch bệnh, xâm ngập mặt, dông lốc, mưa đá, ngành nông nghiệp tính đến hết quý I/2024 vẫn tăng trưởng ở mức 2,98%. Sản lượng lúa gạo và giá cả vẫn ở mức tương đối tốt.
3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất siêu 3,36 tỷ USD tăng 96,5%.
Về thị trường xuất khẩu, đại diện Bộ NN&PTNT thông tin, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 18,3%; Hoa Kỳ chiếm 19,9%, tăng 28,3% và Nhật Bản chiếm 7%, tăng 4,6%.
Theo Thứ trưởng Tiến: “Diện mạo, chiều sâu, giá trị ngành nông nghiệp đã bước sang chương mới, gắn vào các thị trường, đáp ứng được yêu cầu thị trường, đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”. Từ đó, đề nghị toàn ngành bám sát vào thực tiễn trên để tổ chức triển khai, hợp tác để tái cơ cấu ngành nông nghiệp để năm 2024 tăng tốc và năm 2025 về đích.
Liên quan đến vấn đề hạn mặn, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, vấn đề nước tưới, theo dự báo của Bộ NN&PTNT cũng như Bộ TN&MT, năm 2024 là năm chịu ảnh hưởng bởi El Nino, tuy nhiên, tác động của hiện tượng này gây ra hạn mặn và hạn trong năm 2023 thấp hơn so với năm trước đó nhưng cao hơn trung bình so với những năm trước đây. Trồng trọt là kênh sản xuất chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố như thời tiết, hạn mặn, mưa bão, mưa đá hơn các ngành khác.
Để chủ động trong việc phòng chống hạn, hạn mặn, tác động của El Nino, với sản xuất lúa và vùng cây trồng ở vùng ĐBSCL, Bộ NN&PTNT đã lên kế hoạch gieo trồng sớm ở các vùng ven biển, có nguy cơ gặp hạn mặn, cơ bản đã hoàn thành. Để thấy, tác động hạn mặn đến trồng lúa là có nhưng chưa nhiều.
Về tình hình hạn đối với cây cà phê ở Tây Nguyên, ông Cường cho biết: “Để phòng chống, hạn chế tác động của hạn hán lên cây cà phê, cần chủ động các biện pháp, bao gồm điều hòa nước giữa các khu vực và có các giải pháp tích trữ nước…”.
Tại họp báo, liên quan đến việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi (chì) vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng HTQT, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục BVTV đang làm việc để tìm ra nguyên nhân chính xác với từng lô hàng.
Bên cạnh đó, ông Hiếu thông tin, 30 lô hàng không phải là thông báo một lúc mà là số liệu tổng hợp Trung Quốc thông báo lại kể từ khi Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang trường này.
“Những con số trên chưa ảnh hưởng gì đến tình hình xuất khẩu, nhưng đây cũng là cảnh báo để Việt Nam chủ động tìm nguyên nhân, điều chỉnh để tránh lặp lại trong thời gian tới”, Trưởng phòng HTQT, Cục Bảo vệ Thực vật nói.
Về khuyến cáo, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, ngay sau khi xác định ra nguyên nhân, Cục sẽ có khuyến nghị cụ thể với từng trường hợp, tuy nhiên, về tổng thể, các đơn vị sản xuất cần điều chỉnh một số biện pháp canh tác để giảm hấp thụ cadimi như sử dụng phân chuồng với tỉ lệ hợp lý. Đặc biệt, các đơn vị trước khi xuất khẩu cần thực hiện kiểm tra chất lượng, trong đó có cadimo để tránh rủi ro gây ra thiệt hại khi bị Trung Quốc cảnh báo.
Xoay quanh vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong khi sầu riêng bán được, giá cũng đang cao, cần phải lưu ý đến chất lượng và các tiêu chí, quy định, tránh để bị vi phạm.
Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật vừa yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk, Hà Nội và các doanh nghiệp, cơ quan liên quan thực hiện truy xuất các lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo.
Cụ thể, Cục Bảo vệ thực vật nhận thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch động thực vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc - GACC) về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi (chì) vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
30 lô hàng sầu riêng này thuộc 18 doanh nghiệp và bị phía Trung Quốc phát hiện lô hàng vi phạm từ tháng 6/2023 đến tháng 1/2024.
Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu 18 doanh nghiệp trong danh sách cảnh báo thực hiện điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp (cung cấp hợp đồng thu gom lô hàng, danh sách cơ sở thu gom, vườn trồng cung cấp lô hàng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đã sử dụng tại vườn trồng cung cấp lô hàng).
Đồng thời, tổ chức khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhằm tránh tái diễn vi phạm và gửi báo cáo kết quả thực hiện truy xuất và các biện pháp khắc phục về cục trước ngày 1/4.