Trong quí I năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì nhiều hội nghị quan trọng cũng như làm việc trực tiếp tại các địa phương để lắng nghe, chỉ đạo, tháo gỡ những bất cập tạo mọi điều kiện tốt nhất cho địa phương, người dân và doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, các địa phương đã khẩn trương vào cuộc và có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó phải kể đến đầu tàu kinh tế của cả nước TP Hồ Chí Minh.
Năm 2023, GRDP quý I của TP Hồ Chí Minh chỉ tăng chưa đến 1%, nhưng bước sang quý I/2024, bức tranh kinh tế của TP Hồ Chí Minh đã hoàn toàn thay đổi khi GRDP của thành phố đã tăng 6,54%. Đây là mức tăng cao so với mục tiêu và các dự báo đưa ra trước đó. Còn nếu nhìn vào mức tăng trưởng GRDP của thành phố từ năm 2020 thì đây cũng là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
3 tháng đầu năm, thu nội địa của TP Hồ Chí Minh đạt hơn 113.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu từ khu vực kinh tế chiếm tỉ trọng hơn 64%. Đặc biệt, tiêu dùng nội địa vẫn là động lực tăng trưởng của thành phố.
Ông Nguyễn Nam Bình - Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết: "Thu từ kinh doanh bất động sản có tăng trưởng đáng kể so với năm 2023. Bên cạnh đó các hoạt động du lịch, lưu trú, ăn uống cũng có mức độ tăng trưởng so với năm 2023 cao. Kể cả trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng có tốc độ tăng trưởng so với năm 2023 rất là tốt".
TP Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt từ 7,5 - 8%. Ảnh minh họa.
Trong quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng 5,1% so với cùng kỳ. Một số ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ trọng yếu của thành phố đang trên đà phục hồi, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung.
Quý I/2023, tăng trưởng GRDP của TP Hồ Chí Minh ở mức thấp, chỉ đạt 0,6%. Ngay từ cuối năm 2023, thành phố đã ban hành các giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó tập trung thúc đẩy đầu tư công và đồng hành cùng doanh tháo gỡ khó khăn để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thông tin: "Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân thì tập trung cao độ để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc theo các danh mục đã được xác lập từ đầu năm và được cập nhật theo hàng quý, nhất là các dự án bất động sản".
TP Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt từ 7,5 - 8%. Theo các chuyên gia, trong 3 tháng đầu năm, GRDP TP Hồ Chí Minh tăng hơn 6,5% sẽ là nền tảng tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế ở các quý tiếp theo, giúp TP Hồ Chí Minh hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng toàn diện trong quý I
Tăng trưởng quý I của TP Hồ Chí Minh đạt mức cao. Đồng thời, một loạt chỉ tiêu kinh tế cơ bản của TP Hồ Chí Minh trong quý I cũng tăng trưởng tích cực. Ví dụ kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục và khởi sắc, ước đạt hơn 10 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ.
Trong quý I, TP Hồ Chí Minh có thêm gần 16.200 doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Số chỗ việc làm mới cũng tăng 2,42% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với quý I/2023. Tổng thu ngân sách nhà nước quý I năm nay trên địa bàn ước tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
Dự kiến hết quý I, TP Hồ Chí Minh giải ngân được hơn 5.600 tỷ đồng (đạt 7,1%), trong khi mục tiêu là trên 10% vốn giao cả năm (gần 8.000 tỷ đồng). Để đạt mục tiêu giải ngân 79.000 tỷ đồng của cả năm nay, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung tăng cường giải ngân đầu tư. Quyết tâm này là một trong những yếu tố góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, làm động lực phát triển kinh tế.
Sau hơn một năm ngưng trệ, dự án nút giao hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TP Hồ Chí Minh đã thi công trở lại. Trước đó, lãnh đạo thành phố đã nhiều lần giám sát, làm việc với các Sở ngành để tháo gỡ khó khăn cho dự án này.
Giải phóng mặt bằng được TP Hồ Chí Minh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 vì đây là một trong 3 yếu tố chính tác động tới tiến độ các dự án trọng điểm và cũng là phần việc chiếm tỷ lệ lớn trong tổng vốn đầu tư công của thành phố.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết: "Trong kế hoạch vốn 2024 thì hơn 30% vốn là bố trí cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng cho dự án xây dựng. Do đó, đây cũng là một vấn đề thành phố cần tập trung quan tâm".
Rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đó là một trong những yêu cầu được Chủ tịch UBND thành phố đặt ra trong Chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: "Thời gian giải quyết các thủ tục có liên quan đến đầu tư công phải giảm 30% so với quy định chung. Trách nhiệm các bên có liên quan như nhà thầu, các đơn vị tư vấn chúng tôi sẽ theo sát và sẽ làm việc thường xuyên và cũng sẽ kịp thời xử lý nếu như có trường hợp làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng".
Giải phóng mặt bằng được TP Hồ Chí Minh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024. Ảnh minh họa.
Tính đến hết quý I/2024, tỷ lệ giải ngân đầu tư công quý I năm 2024 của TP Hồ Chí Minh đạt 7,1% kế hoạch cả năm, bằng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện thành phố đang tích cực phối hợp với các bộ ngành Trung ương nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hướng tới mục tiêu giải ngân 95%.
TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của đất nước, tăng trưởng của thành phố đóng góp rất nhiều vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Dù đã có nhiều nỗ lực, có kết quả khá tích cực những tháng đầu năm, song vẫn còn nhiều thách thức để TP Hồ Chí Minh đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5 - 8%. Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, tăng trưởng càng về sau sẽ khó khăn hơn vì mức nền so sánh các quý tới với năm 2023 cao.
Cùng với đó công nghiệp cải thiện nhưng còn phục hồi chậm, bình quân chỉ 1,8% từ 2019 đến nay. Số doanh nghiệp rút lui còn cao. Dự án FDI tăng về số lượng nhưng quy mô vốn mỗi dự án lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, TP Hồ Chí Minh cho biết trước mắt cần ưu tiên hỗ trợ tiêu dùng nội địa vì đây vẫn là động lực chính. Đồng thời, khơi thông các nhóm thể chế và môi trường pháp lý, tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, khôi phục kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.98615450210404202-i-yuq-gnort-456-gnat-hnim-ihc-oh-pt-pdrg/et-hnik/nv.vtv